- Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai đề nghị phải truyền thông mạnh để người lao động hiểu rõ nợ đọng BHXH không ảnh hưởng tới lương hưu.
Nợ đọng BHXH được đề cập trong phiên họp ngày 14/4 tại TP.HCM của UB Các vấn đề xã hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng quỹ BHXH 2014.
Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai đánh giá năm nay BHXH đã tích cực sử dụng nhiều biện pháp giải quyết nợ đọng. Nếu như năm trước con số nợ đọng BHXH công bố "làm phát sợ", với 11 nghìn tỷ đồng thì năm 2014 tích cực giải quyết chỉ còn hơn 5 nghìn tỷ, trong đó số dai dẳng, khó đòi còn hơn 600 tỷ.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai |
Tuy nhiên, bà lưu ý các cơ quan, ban ngành, ĐBQH phải truyền thông mạnh mẽ để
người lao động hiểu rằng, nợ đọng không ảnh hưởng tới lương hưu. Lương hưu vỡ do
công chức có tuổi nghỉ hưu đóng bảo hiểm ngắn, công chức đóng không theo nguyên
tắc, lại hưởng dài, làm mất cân bằng quỹ. Nguyên tắc đóng bao nhiêu hưởng bấy
nhiêu, không đóng hay đóng ngắn thì ảnh hưởng lương hưu. Trong khi đó, nợ đọng
BHXH ảnh hưởng đến người lao động, sau này không có lương hưu vì đóng ngắn, vỡ
quỹ.
Bà Mai lưu ý việc luật Bảo hiểm sửa đổi sắp có hiệu lực cho phép kết nối BHXH
với thuế. Dù thuế cũng có thất thu từ việc khó kiểm soát thì vẫn cứ phải áp theo
thuế để bảo đảm cho người lao động.
"Năm tới ông giải quyết dứt
điểm nợ được không?"
Ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc BHXH VN thừa nhận hiện chưa có biện
pháp gì hiệu quả để đòi nợ BHXH.
Phó tổng giám đốc BHXH VN Nguyễn Đình Khương |
Nghe vậy, bà Mai chất vấn: "Con số tổng nợ khó đòi 600 tỷ đồng ra sao?". Ông
Khương cho hay, nợ khó đòi rơi vào các DN phá sản, không còn tồn tại, trong khi
người lao động đã chuyển sang nơi khác làm việc. BHXH VN đang đề nghị cho xóa vì
dồn từ 1995 trở lại đây. "Vậy cộng dồn nợ hết là bao nhiêu?" - bà Mai hỏi. "Tổng
là 5.500 tỷ, nếu trừ khó đòi thì còn trên 4.000 tỷ", ông Khương thông tin.
Phó tổng giám đốc BHXH VN cũng cho rằng, cái khó còn một phần lý do là chưa có
đối tượng nào lớn như đối tượng BHXH VN, trong đó chỉ riêng BHXH thất nghiệp đã
trên 9 triệu người.
Nghe ông Khương báo cáo các giải pháp chuẩn bị thực hiện, kể cả hiện đại hóa
phần mềm đóng BHXH để "đòi" nợ từ DN, bà Mai chất vấn dồn: "Năm tới ông có giải
quyết được 5.500 tỷ nợ không? "Chúng tôi không hy vọng xử lý hết ngay, dứt điểm
các khoản nợ, cố gắng hết sức đòi vì đó là nợ cũ" - ông nói.
Ông Khương cho hay, nếu trừ khoản khó đòi thì các khoản nợ chỉ đạo dần có thể
giải quyết được, nhưng có những khoản nợ nớn của DN như Vinalines, hay có DN gần
như phá sản thì rất khó.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, đơn vị tiên phong trong việc xử lý khởi
kiện cho rằng, có thể đòi nợ nhưng phải chịu khó chờ, chứ không thể kiện là lấy
lại được tiền ngay. Chỉ tay ra ngoài cửa sổ, ông Sang bảo dưới đường taxi xe Mai
Linh chạy đầy đường nhưng nợ BHXH còn 140 tỷ đồng. Dù thi hành án xác minh rồi,
nhưng xe cộ mới mua họ thế chấp ngân hàng, hay xe chỉ còn tên là của DN, phần
của thì sang tên cho lái xe làm chủ rồi, họ cùng làm cùng ăn trên cùng một
thương hiệu.
Ông đồng tình việc khởi kiện có tác dụng tích cực là trong khi chờ tòa thụ lý,
DN thấy áp lực bị khởi kiện thì nộp, nên đa phần hòa giải là xong. Các DN đang
lưỡng lự chờ, nhưng nếu qua 6 tháng mà nợ 50 triệu trở lên là bị kiện thì họ sợ.
Ví như năm ngoái có sự hỗ trợ của Thanh tra Chính phủ, thanh tra 10 DN nợ 43 tỷ,
đòi được 26 tỷ, như thế chỉ khắc phục được 65,5%.
Bà Trương Thị Mai cho hay đang nghiên cứu kiến nghị bổ sung bộ luật Hình sự 3
tội danh: gian lận, trốn đóng, chiếm dụng BHXH mới hy vọng nợ đọng BHXH được
giải quyết tích cực hơn.
Xuân Linh