BHXH tự nguyện là chính sách ra đời sau trong các chính sách của ngành bảo hiểm xã hội. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị-xã hội, năm 2020 được kỳ vọng sẽ đạt con số ấn tượng trong phát triển BHXH tự nguyện.
Hoàn thiện chính sách đa tầng
Thực hiện chính sách BHXH tự nguyện là một bước đi để hoàn thiện chính sách BHXH đa tầng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Người dân tham gia vào chính sách là những người không đi làm hưởng lương hàng tháng, nên chính sách BHXH tự nguyện sẽ giúp họ có điều kiện được hưởng lương khi hết tuổi lao động.
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, những người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị nhà nước hoặc các công ty thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, nhưng vì những nguyên nhân khách quan họ phải nghỉ việc giữa chừng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì họ cũng có thể đóng BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cả ba tầng trong chính sách BHXH của NQ28 đều có ý nghĩa rất quan trọng. Điểm có ý nghĩa nhân văn nhất, mang tính xã hội rộng khắp và thể hiện quan điểm của Đảng chăm lo tới mọi người dân chính là tầng thứ nhất, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.
“Chính sách BHXH cơ bản mang ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của người dân. Không chỉ thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, chúng ta mở rộng cả chính sách BHXH tự nguyện để nhanh chóng đạt được độ bao phủ BHXH toàn dân”, ông Lợi đánh giá.
Theo Báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW (ngày 23/5/2018) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2019, số người tham gia BHXH đạt 15,774 triệu người, chiếm 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 15,2 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 574.000 người.
Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, năm 2018, toàn quốc đã có trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, có được kết quả trên là do chính sách BHXH tự nguyện đã được bổ sung, sửa đổi tương đối phù hợp.
Cụ thể, BHXH tự nguyện hiện không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện chỉ cần là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên. Các phương thức đóng đa dạng và linh hoạt (bổ sung thêm các phương thức đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm); đóng một lần cho những năm còn thiếu); Nới rộng thời điểm đóng, có thể đóng trong tháng đối với phương thức đóng hàng tháng; trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần; trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần; trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Bên cạnh đó, quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện cũng phù hợp hơn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng). Trước đây (trước năm 2016), mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở. Từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đây là động lực quan trọng để người dân tích cực tham gia.
Ảnh minh họa |
Chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản; thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến cấp huyện và cấp xã. Thủ tục hành chính luôn được rà soát, tinh giản, rút gọn (từ tháng 5/2020 rút gọn chỉ còn 03 thủ tục, riêng thủ tục thu BHXH tự nguyện chỉ duy nhất có 01 thủ tục). Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ được đẩy mạnh, giao dịch điện tử cấp độ 3, 4 được áp dụng đảm bảo thuận lợi nhất cho người tham gia.
Các hội nghị giao ban tực tuyến toàn quốc hàng tháng được duy trì đã phát huy hiệu quả rõ rêt, thông qua các hội nghị, những vướng mắc được giải quyết kịp thời, những kinh nghiệm hay, kết quả tốt được chia sẻ; đơn vị, cá nhân có thành tích được biểu dương, khen thưởng đã động viên, khích lệ cán bộ viên chức tích cực thi đua hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Hệ thống đại lý, mạng lưới cộng tác viên được mở rộng. Đến nay, toàn quốc có trên 12.400 đại lý thu BHXH, BHYT, trên 37.300 điểm thu và trên 52.200 nhân viên đại lý thu. Hệ thống đại lý thu đến từng xã, phường, thị trấn; mạng lưới cộng tác viên được trải đều đến từng thôn, bản, tổ dân phố tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia.
Công tác tuyên truyền được tăng cường, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Đặc biệt, sự góp mắt của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tiếp với người dân, người lao động trong khu vực phi chính thức để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện, với trên 14.000 hội nghị, đã phát triển được trên 276.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019.
Ba nhóm giải pháp để mở rộng phát triển đối tượng tham gia
Tuy đạt được nhiều thành tựu tích cực, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện.
Cụ thể, về chính sách, pháp luật, hiện mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện thấp (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng). Thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).
Ảnh minh họa |
Sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền các cấp, các ngành và BHXH chưa thực quyết liệt. Hầu hết, các tỉnh, thành phố chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện. Thu nhập của nhiều người dân, người lao động khu vực phi chính thức còn thấp, bấp bênh; bên cạnh đó vẫn còn nhiều người dân chưa thay đổi nhận thức đóng góp, tích lũy chăm lo cho cuộc sống lâu dài, nên còn thiếu quan tâm, chưa tích cực tham gia BHXH tự nguyện.
Để tiếp tục mở rộng phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHXH Việt Nam đề ra 3 nhóm giải pháp. Cụ thể, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH để họ tích cực, tự giác tham gia.
BHXH tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu và phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ.
Trong đó đề xuất, kiến nghị: sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển đối tượng BHXH của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý; và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng.
Hòa Bình