Những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, một giai đoạn phát triển mới của đất nước

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 từ 2020 là một biến cố lớn của nhân loại, tạo ra một khủng hoảng trên diện rộng, làm thay đổi thế giới trên nhiều lĩnh vực. Kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, hạn chế tác động và phục hồi sau suy thoái kinh tế là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia đánh giá lại các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức cộng đồng về các mối đe doạ nghiêm trọng từ các vấn đề môi trường và sức khỏe cũng như tận dụng những thay đổi từ đại dịch. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết quốc tế thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

{keywords}
Tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2050

Tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Sau một thập niên, vấn đề giảm phát thải nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững đã từng bước được đặt ra, tạo nền tảng cho hệ thống chính trị và doanh nghiệp, cộng đồng tiếp cận với tăng trưởng xanh. Các bộ, địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Việc thực hiện giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo đã được quan tâm hơn, rộng rãi trong các lĩnh vực. Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác…

Bước đầu đã hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh. Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh. Cụ thể trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…

Trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, một giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngày 1/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

“Cơ hội vàng” để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh

Theo PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, nhiều quốc gia đang theo đuổi chiến lược vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là điều mà Việt Nam có thể học hỏi để đưa đất nước phát triển. Ông nhấn mạnh Việt Nam đang có trong tay “cơ hội vàng” để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và thách thức từ biến đổi khí hậu.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng bối cảnh thế giới đang ngày càng phức tạp, trong đó có vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế và môi trường, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Có thể nói biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh tới thế giới và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, sau dịch Covid-19, thế giới sẽ bước sang giai đoạn phục hồi kinh tế. Ông nhắc đến 2 xu hướng, một là chuyển đổi số đang diễn ra mãnh liệt ở nhiều lĩnh vực là kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế… Hai là xu hướng phục hồi xanh, chuyển đổi xanh. Theo TS Bùi Quang Tuấn, các quốc gia trên thế giới đang tranh thủ thời gian khủng khoảng để tái cơ cấu kinh tế, tăng cường sự đóng góp của những ngành xanh, những ngành giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính.

“Tôi cho rằng đây là xu hướng rất tiến bộ, chúng ta cùng nhau học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh”, ông nói.

“Có nhiều quan niệm nói rằng tăng trưởng xanh mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế thông thường, vì có yếu tố xanh nên giảm mức độ tăng trưởng. Theo tôi, suy nghĩ như vậy không đúng”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu biết tái cơ cấu nền kinh tế, đưa những ngành xanh trở thành những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đó sẽ là yếu tố mới đóng góp cho GDP, không hề có mâu thuẫn với việc vừa có tăng trưởng xanh, vừa đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội.

Hồng Phúc