Thời gian qua, NHNN đã có những điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các ngân hàng thương mại cổ phần đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. 

Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023. Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%. Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 128,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Các ngân hàng thương mại, nhà nước tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. 

Về nợ xấu của hệ thống các TCTD xác định theo Nghị quyết 42, tổng nợ xấu tăng 3,42% so với cuối năm 2022. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 7/2023, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 425,9 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Hướng nguồn vốn vào sản xuất

NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. 

Đến ngày 21/9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%). Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn trong nền kinh tế gặp khó khăn, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. 

Bên cạnh đó, là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay.

NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. 

Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV