Sau thời gian nghị luận căng thẳng, các cổ đông của Công ty Xây dựng Coteccons đồng loạt thống nhất gạt bỏ tờ trình về thương vụ sáp nhập với Ricons ra khỏi Đại hội cổ đông thường niên năm nay, không cần phải biểu quyết nữa.

Ricons hoạt động trong lĩnh vực xây lắp từ năm 2008 với vốn điều lệ 305 tỷ đồng (Coteccons sở hữu trực tiếp 14,87%). Năm 2018, doanh thu công ty đạt 9.314 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 50% năm trước. Trong khi đó, ở phía ngược lại, doanh thu của Coteccons tăng 5% còn lợi nhuận lại giảm 9%.

{keywords}
Tranh cãi giữa các cổ đông lại diễn ra tại kỳ Đại hội cổ đông thường niên

Trước đó, vào năm 2015, Coteccons đã sáp nhập một công ty con của mình là Unicons, tăng tỷ lệ sở hữu từ mức gần 49% lên 100%. Thương vụ sáp nhập này sau đó đã giúp CTD vượt xa đối thủ Hòa Bình, giúp mức giá cổ phiếu từ vùng 90.000 đồng/cổ phiếu vọt lên vùng 200.000 đồng.

Trong kỳ đại hội cổ đông năm ngoái, các cổ đông cũng đặt ra kỳ vọng việc sáp nhập các công ty thành viên, công ty liên kết sẽ giúp “đẩy” giá cổ phiếu công ty xây dựng này trở lại thời kỳ hoàng kim.

Theo ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons, phương án sáp nhập Ricons là tăng khả năng “phòng thủ” của doanh nghiệp. Việc sáp nhập sẽ biến Coteccons sở hữu 3 công ty trong TOP 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam (trong đó Coteccons và Unicons đã chiếm 10% thị trường xây dựng). “Quyết định tại Đại hội lần này sẽ là cơ hội mới của Coteccons”, Chủ tịch HĐQT khẳng định.

{keywords}
 Cổ đông lớn có vẻ như đã thể hiện được sức mạnh phủ quyết của mình

Tuy nhiên, “điềm chẳng lành” đã diễn ra ngay trước thời điểm đại hội cổ đông diễn ra, khi cổ đông lớn Kustocem cho biết sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập, cũng như không ủy quyền đồng ý cho HĐQT về chiến lược sáp nhập sắp tới.

Đúng như đã thông báo từ trước, cổ đông lớn (tỷ lệ sở hữu trực tiếp 17,75%) khẳng định trong kỳ đại hội rằng Coteccons không cần thiết phải sáp nhập.

“Thay vì M&A thì Coteccons nên tập trung vào yếu tố cốt lõi, nền tảng. Việc sử dụng cổ phiếu của Công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng”, công bố của Kusto cho hay.

{keywords}
Ông Nguyễn Bá Dương: “Tôi đề nghị dừng việc bàn M&A, từ nay không nên bàn đến nữa”.

Sau một năm dài, những tưởng các mâu thuẫn cũ tại Coteccons đã dần êm xuôi nhưng thực tế các bất hòa nội bộ giữa cổ đông vẫn còn đó. Mâu thuẫn trước đây còn lên đến đỉnh điểm khi nhân sự cấp cao ra đi, lập công ty mới và cạnh tranh với chính tập đoàn này, doanh thu và lợi nhuận suy giảm, kèm theo các tin đồn thị trường về lợi ích bên trong, bên ngoài, khiến cổ phiếu CTD giảm mạnh trên thị trường.

{keywords}
Công ty Ricons tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua, trong khi Coteccons đang đi chậm lại

Tại Đại hội, báo cáo của HĐQT Coteccons đánh giá thị trường bất động sản hiện gặp nhiều khó khăn, không chỉ tín dụng ngân hàng giảm mà còn tình hình triển khai các dự án rất chậm. Tại TP.HCM, 4 tháng đầu năm chưa ký được dự án nào, trong khi Hà Nội có 2.532 dự án đang bị rà soát. Thị trường bất động sản nhìn chung trầm lắng, ảnh hưởng đến các đơn vị thi công.

Theo ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Coteccons, năm 2019 công ty dự kiện thực hiện hơn 40 công trình, nhưng hiện nhiều công trình đang tạm ngưng. Trong khi đó, giá trị hợp đồng chuyển tiếp trong năm ngoái là hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Dựa theo tiến độ các hợp đồng, dự kiến khoảng 70% giá trị này sẽ được thực hiện và ghi nhận trong năm 2019.

Trước các mâu thuẫn cũ và bất hòa mới, ban lãnh đạo của Coteccons đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm trước. Theo đó, năm 2019, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 27.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 14% so với năm 2018. Riêng lợi nhuận năm 2018 cũng giảm 9% so với mức đỉnh năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ chia cổ tức vẫn là 30%, ngang bằng năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTD của Coteccons đang được giao dịch quanh mức 140.000 đồng/cổ phiếu, giảm 17,25% so với hồi đầu năm và giảm 11,37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu Coteccons từng có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng từ năm 2015 đến năm cuối năm 2017 khi cổ phiếu tăng hơn 5 lần lên mức đỉnh 220.000 đồng vào tháng 11/2017 (giá đã điều chỉnh). Tuy nhiên, cổ phiếu này giảm sâu trong nửa đầu năm 2018, mất hơn 1/3 giá trị so với mức đỉnh.

Dũng Nguyễn