Doanh nghiệp Fintech gặp khó

Ông Nguyễn Minh Hoàng, một chuyên gia, cố vấn cấp cao cho một số công ty P2P lending không giấu được cảm thán khi nói về cách tiếp cận quá cẩn thận, rụt rè với cơ chế thử nghiệm (Sandbox) ở Việt Nam, làm lỡ đi nhiều cơ hội kinh doanh trong thời đại kinh tế số bùng nổ trên toàn cầu.

“Đồng ý là làm Sandbox khó, nhất là Fintech, vì cần cẩn trọng và bảo đảm tối đa an toàn cho người dân, cho an ninh tiền tệ, nhưng cũng cần tăng tốc để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham dự vào thị trường mà các đối tác nước ngoài coi là tiềm năng, hấp dẫn. Nếu chậm nữa, doanh nghiệp Việt sẽ lại thua ngay trên sân nhà. Hiện tại, nhiều ứng dụng trong lĩnh vực P2P lending của doanh nghiệp Việt Nam không được chạy trên Apple store vì pháp lý về lĩnh vực này ở Việt Nam chưa rõ ràng”, ông Hoàng nói. 

Lý do của lời gửi gắm này: VCCI vừa chọn Sandbox là một trong những dòng chảy pháp luật kinh doanh đáng kể của năm 2021. Tuy nhiên, thách thức, quan ngại trong việc xây dựng một cơ chế thử nghiệm lại là điều VCCI muốn nhấn mạnh, trong đó, lớn nhất là sự chậm trễ và cách làm khiến sự chậm trễ này đang trở nên thách thức hơn. 

Theo nghiên cứu của VCCI, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bất kỳ cơ chế thử nghiệm Sandbox theo đúng nghĩa được ban hành. 

Thanh toán số là mảng dịch vụ phát triển trong lĩnh vực tài chính số. Ảnh: VGP

Cơ chế thử nghiệm được coi là công cụ hữu ích để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thông qua việc cho phép cơ quan quản lý được quan sát sản phẩm, dịch vụ mới trong môi trường thực được giới hạn. Tất nhiên, cơ chế thử nghiệm không phải là công cụ cho mọi vấn đề phát sinh từ công nghệ. Sandbox chỉ thực sự cần khi các sản phẩm, dịch vụ cần cách thức vận hành mô hình kinh doanh mới, có những vướng mắc pháp lý cản trở việc triển khai và mở rộng sản phẩm, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp... 

Hay như cách giải thích rất dễ hiểu của TS. Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Sandbox là không gian thử nghiệm để doanh nghiệp vận hành, trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới và cũng là không gian để cơ quan quản lý quan sát, học hỏi, hiểu rõ hơn những gì doanh nghiệp đang làm, từ đó có phương án cho các văn bản điều chỉnh phù hợp. Trước đó, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý chưa dự liệu hết những tác động của sản phẩm, dịch vụ tới đời sống kinh tế - xã hội. 

“Khi doanh nghiệp tốt nghiệp lớp Sandbox cũng là thời điểm cơ quan quản lý tốt nghiệp lớp đó. Nhưng vì là cùng học, nên doanh nghiệp sẽ được giảm nhẹ, miễn trừ một số thủ tục pháp lý. Khi tốt nghiệp, ra thị trường, họ sẽ quyết định tiếp tục hay không, nhưng nếu hoạt động thì bình đẳng với các doanh nghiệp khác, chịu sự điều chỉnh các các văn bản pháp luật mà cơ quan quản lý đã đúc rút và thiết kế sau quá trình đồng hành với sự thử nghiệm của doanh nghiệp”, bà Hoa nói. 

Tư duy quản lý thận trọng 

Nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Khảo sát của VCCI cho thấy, vẫn chưa có một chuẩn chung, một “mô-típ” cụ thể cho việc ban hành một khung khổ thử nghiệm pháp lý ở Việt Nam. Nghĩa là việc ban hành Sandbox đang phụ thuộc vào trường hợp, cách tiếp cận và quan điểm của từng cơ quan soạn thảo. 

Xem xét các cơ chế thí điểm đã được ban hành cũng như các đề xuất xây dựng hiện nay, có thể thấy sự đa dạng của loại văn bản pháp luật, từ văn bản hành chính đến văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Sandbox. 

Ví dụ, quyết định của Bộ trưởng được ban hành dưới sự cho phép bằng văn bản về chủ trương của Thủ tướng (trường hợp của Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) hay Quyết định của Thủ tướng về cơ chế thí điểm cho Mobile Money; Nghị định của Chính phủ về đề xuất Sandbox cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; đề xuất Sandbox cho sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới trong dự luật Công nghiệp công nghệ số. 

Startup - chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế đổi mớiundefinedXem ngay

Một xu hướng đáng chú ý mà VCCI nhắc đến là sự khác nhau trong việc quy định cơ chế thử nghiệm tại các dự thảo luật đang được soạn thảo, đệ trình, thậm chí, trong nhiều trường hợp các dự thảo luật còn không hề đề cập hoặc dự liệu việc thiết lập một cơ chế Sandbox. 

Chẳng hạn, dự thảo luật Giao thông đường bộ không có quy định liên quan đến cơ chế thử nghiệm xe không người lái, trong khi một số doanh nghiệp đã tiến hành thử nghiệm nội bộ công nghệ này. Hay Đề xuất xây dựng luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở (sửa đổi) cũng không đề cập gì vấn đề ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản (Proptech) và cơ chế, chính sách cho hoạt động này. Trong khi đó, dự luật khác đã tiếp cận bước đầu khi quy định cho phép xây dựng cơ chế Sandbox và giao Chính phủ quy định chi tiết... 

Vấn đề phát sinh là nếu Sandbox xếp hàng để vào luật thì không biết đến bao giờ mới có được một mô hình thử nghiệm đúng nghĩa. Có thể thấy ngay ở sự phát triển của thị trường xe công nghệ và hệ sinh thái mà các doanh nghiệp đang phát triển là nhờ quyết định 84. Khi đó, nếu Bộ Giao thông - Vận tải chờ sửa luật Giao thông đường bộ, có thể hệ sinh thái này chưa đa dạng và tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đến vậy đến đời sống người dân. 

Hiện tại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech đang ở thế như Grab, Uber trải qua hồi năm 2016 ở Việt Nam. Họ không thể áp các quy định tài chính hiện hành để vận hành P2P lending, nhưng ở các nước, các Sandbox cho Fintech đã đi trước. 73 Sandbox đã được thông báo thiết lập trong lĩnh vực lĩnh vực Fintech tính đến tháng 8/2020. Trong khu vực Đông Nam Á, 6 nước đã thiết lập Sandbox gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines. 

Hậu quả của sự chậm trễ là hiện có gần 200  doanh nghiệp P2P lending hoạt động nhưng pháp nhân không đăng ký hoạt động ở Việt Nam trong khi thị trường và người dùng Việt Nam đã bắt đầu “nghiện”. 

Ông Hoàng kể thêm câu chuyện với các đối tác Nhật Bản. Họ nói thị trường Fintech của Việt Nam, trong đó có ví điện tử, là “vô cùng bùng nổ”, “màu mỡ” và “hấp dẫn”. “Nhưng hỏi họ có đầu tư không, họ nói là chưa. Lý do là các vấn đề liên quan đến pháp lý còn rất lớn và rủi ro để thực hiện đầu tư ở đây”, ông kể. 

“Tôi mong các cơ quan quản lý thấy rõ thực tế này để tăng tốc”, ông Hoàng đề xuất. 

Các chuyên gia pháp lý cũng mong muốn điều này. Bà Hoa thậm chí còn nhắc đến giấc mơ về những startup kỳ lân của Việt Nam. “Các cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận nếu muốn những kỳ lân có cơ hội lớn lên ở Việt Nam”, bà nói, và cho rằng, quản lý không thể thận trọng, cầu toàn trong lĩnh vực mới mẻ này.

Trần Hoàng Anh