Đó là lý do, khá nhiều người trẻ có nhu cầu ở thực dù mòn mỏi tìm nhà cả năm trời cũng không mua được, đặc biệt ở sản phẩm giá vừa túi tiền.

Chị Tuệ Diễm, trọ tại Q.7, Tp.HCM đang vô cùng chán nản vì 3 tháng ròng đi tìm mua căn hộ nhưng cứ đến ngày hẹn đặt cọc thì chủ nhà đổi ý không bán. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần thứ 3 chị bị chủ nhà từ chối mặc dù trước đó đã hẹn ngày đặt cọc.

Được biết, do tài chính ít nên chị Diễm tìm những căn hộ diện tích từ 46-50m2, đã hoàn thiện hoặc có người ở trước đó; cách trung tâm TP tầm 11-12km thuộc phân khúc căn hộ bình dân. Tuy nhiên, khi tìm mua, dù thỏa thuận xong xuôi giá cả với chủ nhà, hẹn ngày đi cọc thì chủ nhà lại không bán nữa. Lý do chủ nhà đưa ra khá nhiều nhưng chung quy lại theo chị Diễm là thấy mình có nhã ý muốn mua, chủ nhà tìm cách để tăng thêm giá căn hộ. Mức tăng từ 50-100 triệu đồng/căn.

Chị Diễm kể về hành trình mua nhà gian nan của mình. Căn đầu tiên là một dự án trên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp, Tp.HCM), cách trung tâm Q.1 tầm 12km. Giá chủ nhà đưa ra là 1,150 tỉ đồng/căn với diện tích 46m2 (đã ở trước đó). Tuy nhiên, trước ngày đặt cọc chủ nhà rút, muốn tăng giá lên 100 triệu đồng.

{keywords}
Dường như cơ hội cho những người mua nhà ở thực ngày càng xa vời (Ảnh minh họa)

Căn thứ hai là một dự án đã có cư dân vào ở khoảng 4 năm trước tại Q.12. Sau khi đến xem căn hộ và chủ nhà đồng ý bán với giá 1.1 tỉ đồng/căn và hai bên hẹn ngày đi đặt cọc, công chứng. Nhưng, sát ngày cọc, chủ nhà gọi điện với lý do “để suy nghĩ lại, có khi bán cho người thân”.

Tiếp tục tìm kiếm căn nhà thứ ba, chủ nhà đồng ý bán cho chị Diễm với giá 1.070 tỉ đồng/căn, diện tích 49m2, cũng là dự án tại Q.12 đã hoàn thiện (có người ở trước đó). Tuy nhiên, mặc dù đã đồng ý bán, thỏa thuận giá và hẹn ngày cọc nhưng cũng như những lần trước, sát ngày cọc chủ nhà kêu không bán nữa. Nhưng vài ngày sau đó, vẫn thấy môi giới đăng rao bán căn này, với giá cao hơn thỏa thuận với chị Diễm là 50 triệu đồng.

“Thực tế, mình có nhu cầu ở thực nhưng tìm nhà phù hợp túi tiền quá gian nan. Dường như chỉ gặp đầu cơ, họ thấy mình muốn mua nên đã cố tình từ chối để nâng giá bán lên. Thành ra, suốt mấy tháng trời tìm nhà cũng chưa mua được, trong khi tiền vay ngân hàng vẫn phải trả lãi”, chị Diễm giải bày.

Trường hợp như chị Diễm không hiếm trên thị trường hiện nay. Rất nhiều người tìm kiếm căn hộ bình dân giá vừa túi tiền, chấp nhận mua những căn hộ mà chủ nhà ở trước đó 3-4 năm với diện tích khá nhỏ nhưng cũng không hề dễ dàng. Bên cạnh việc nguồn cung ở phân khúc này vắng bóng thì có những căn môi giới rao bán rõ ràng nhưng để mua được cũng là một chặng đường dài vì bản thân người bán có nhiều “chiêu” để mục đích tăng thêm giá.

Một trường hợp khác là anh Tuấn, ngụ Q.2, Tp.HCM, do không đủ tài chính để mua đất nền rồi xây nhà nên anh tìm kiếm các dự án căn hộ khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM với ngưỡng giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Anh tìm được dự án tại QL 13 (Bình Dương), giáp với Q.Thủ Đức, Tp.HCM với mức giá 1.3 tỉ đồng/căn diện tích 50m2 (đang trong quá trình xây dựng).

Mặc dù trước đó môi giới dẫn anh đi xem dự án, trao đổi, thống nhất về giá cả, hẹn ngày đặt cọc với chủ căn hộ (mua lại từ một NĐT khác). Thế nhưng, trong thời gian chờ ngày đi đặt cọc, anh nhận được cuộc gọi từ môi giới, nói rằng căn hộ đó có người trả thêm 80 triệu đồng so với giá thỏa thuận anh, nên chủ nhà hỏi ý kiến anh xem có trả thêm số tiền đó không thì lấy, nếu không sẽ bán cho người khác. Đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh Tuấn vẫn chưa tìm được căn hộ phù hợp với tài chính của mình.

Theo tìm hiểu, nhiều trường hợp khách mua “ngậm đắng nuốt cay” không mua được nhà vì chủ nhà đổi ý không bán nữa. Khi nắm được tâm lý mong muốn mua được nhà để ở của khách, nhiều NĐT/chủ nhà tìm cách để đẩy giá căn hộ lên mới chịu bán. Mức chênh so với giá thỏa thuận ban đầu tầm 50-150 triệu đồng/căn.

Với việc bất ngờ bị tăng giá, trong khi tài chính nhỏ hẹp khiến nhiều người mua thực không thể xoay sở hoặc cảm thấy bị chủ nhà lừa dối nên không thể mua được nhà. Do đó, có những trường hợp ròng rã tìm nhà cả năm vẫn chưa mua được, đặc biệt với những đối tượng khách hàng trẻ, số tiền tích lũy ban đầu khiêm tốn thì dường như cơ hội sở hữu chốn an cư của họ càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Theo Nhịp sống kinh tế

Doanh nghiệp lao đao vì nguồn cung bất động sản giảm mạnh

Doanh nghiệp lao đao vì nguồn cung bất động sản giảm mạnh

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), sự sụt giảm nguồn cung trong 7 tháng đầu năm 2019 đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, một số đứng trước nguy cơ phá sản.