- Các sân khấu kịch Sài Gòn, nơi có đời sống kịch nói sôi động nhất nước, đã nói thẳng nhiều sự thật đau lòng của Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp.


Khi những tai tiếng của Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009 tại TP.HCM còn chưa phai trong trí nhớ, cách nay vài tháng, giới kịch nghệ cả nước bất ngờ đón nhận một “lệnh tập kết” mới có tên gọi Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 14-28/7 tới đây tại Huế.

“Làm…”, một trong hai vở của sân khấu kịch Phú Nhuận tham gia Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp.

Gọi là "lệnh" bởi chúng đơn phương “áp đặt xuống các đơn vị sân khấu bằng một bản thông báo”, như lời của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ở sân khấu kịch Idecaf.

Đẩy nhịp độ, thêm huy chương

Hiện có khá nhiều quan điểm đưa ra để giải thích vì sao người ta sốt ruột với nhịp độ 5 năm một lần của Hội diễn, và rất có thể sẽ thay thế nó bằng định chế Liên hoan với nhịp độ 3 năm một lần. Ở nền kịch nghệ vốn tồn tại hai phương cách, một sống nhờ ngân sách Nhà nước và một sống nhờ phòng vé, tin tức trên quả có tác dụng gây…chia rẽ dư luận.

Nếu đúng như lời ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (nơi tổ chức) đã trả lời báo chí, thì “những đơn vị dự Hội diễn với hành trang là lời nhắn nhủ nửa đùa, nửa thật của lãnh đạo tỉnh” sẽ rất vui vì bớt được áp lực thành tích huy chương để không bị… giải thể. Lý do, không cần phải chờ lâu như trước, cơ hội lấy huy chương nay chỉ còn 3 năm một lần!

Đẩy nhanh nhịp độ liên hoan còn được giải thích như phương án giúp các đoàn kịch sống nhờ bao cấp của địa phương có thêm động lực để dựng vở mới, mà không phải khắc khoải chờ những dịp lễ lạt đặc biệt mới được rót kinh phí. Hoặc giả quãng thời gian chờ đợi giữa hai đợt giải ngân kinh phí làm hội diễn, liên hoan của ban tổ chức sẽ được rút ngắn lại.

Nhưng với những đơn vị sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM thì những hội diễn, liên hoan quả thật phiền hà. Phải nói ngay, những phiền hà này không hề mới, đã được nói rất nhiều, bởi dù là liên hoan hay hội diễn, cách làm của ban tổ chức đều không khác.

Liên hoan mới, chuyện vẫn cũ

"Hãy khóc đi em”, vở diễn của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, nơi sáng đèn hàng tuần từ hơn 2 năm nay nhưng không được mời tham gia liên hoan.

Do đặc điểm sống nhờ lợi nhuận phòng vé, nên điều phiền toái trước tiên của họ đương nhiên sẽ là… tiền! Ai cũng hiểu hội diễn, liên hoan sẽ không thành nếu vắng mặt các sân khấu vốn bỏ tiền dựng kịch để bán vé, chứ không phải để thi thố kiếm huy chương. Nên trong chừng mực nhất định, ban tổ chức phải điều hòa chuyện tiền nong để đảm bảo sự tham gia của sân khấu xã hội hóa. Trong lần tổ chức Hội diễn 2009 tại TP.HCM, các sân khấu này được phép bán vé bên cạnh lượng vé mời dành cho ban tổ chức và giám khảo, để đảm bảo nguồn thu tại chỗ.

Nhưng với kỳ liên hoan tới đây, mọi thứ rắc rối hơn nhiều khi các đoàn phải gồng gánh cả tấn đạo cụ, phục trang cùng đoàn diễn viên, nhân viên hậu kỳ vài chục người ra đến Huế.

Dù đã đăng ký hai vở “Làm…” và “Nước mắt người điên”, bà bầu Hồng Vân vẫn thẳng thừng: “Nếu không được hỗ trợ tối thiểu 80 triệu đồng/vở thì chúng tôi không thể đi được. Đây là con số đã tính sát sạt chỉ chuyện ăn ở, di chuyển trong những ngày dự thi của diễn viên. Đó là chưa tính chuyện diễn viên diễn không thù lao và số thu nhập mà nghệ sĩ và sân khấu của tôi sẽ bị mất trong những ngày đi thi”.

“Từ bao nhiêu năm qua các sân khấu xã hội hóa đã không nhận được một đồng nào từ nhà nước mà vẫn cho ra những vở diễn tốt phục vụ khán giả. Trong khi đó các đoàn kịch nhà nước lại được nuôi quanh năm cho đến bao cấp đi liên hoan, hội diễn mà hiệu quả phục vụ khán giả không bằng. Vậy nên trong những chuyện chuyên môn của ngành như thế này, nếu nhà nước không hào phóng, không quan tâm, bắt các đơn vị xã hội hóa bỏ tiền túi ra tham gia nữa thì chúng tôi không tham gia vì người làm kinh tế tư nhân phải tính toán lời lỗ từng đồng”, bà bầu ở sân khấu kịch Phú Nhuận nói.

Sự mặc cả dứt khoát tới mức ban tổ chức cho phép các đơn vị xã hội hóa diễn xong là về để giảm bớt chi phí. Riêng các đơn vị kịch công lập “phải ở lại đến hết liên hoan, đơn vị nào tự ý về sớm sẽ phải chịu trách nhiệm, đơn vị nào trả lời sẽ về sớm báo chí cứ đăng lên, chúng tôi sẽ xử lý” như lời ông Nguyễn Đăng Chương tuyên bố trên báo chí.

“Quyền lực tình yêu”, vở kịch thơ nghiêm túc của sân khấu Idecaf, đơn vị không tham gia liên hoan.

Sự chối bỏ danh hiệu

Nói đi cũng cần phải nói lại, việc cân đong tiền bạc với những tấm huy chương mang giá trị tinh thần, thậm chí đây còn là cơ sở để xét tặng danh hiệu cấp Nhà nước, liệu có là đúng đắn? Bởi hơn ai hết, những người nghệ sĩ cần danh hiệu để có thêm động lực dấn thân trong nghề nghiệp. Mặt nào đó, sự chối bỏ dù là dứt khoát, giả vờ hay dỗi hờn nhất thời, đều là giúp định vị được giá trị của danh hiệu.

Người ta không khỏi giật mình: Phải chăng những cơn mưa huy chương, những tai tiếng kiểu “giám khảo có vở dự thi”, “một đạo diễn 9 vở dựng”….trong nhiều năm qua dường như đã bào mòn giá trị của những hội diễn, liên hoan mà đáng ra phải ở vị trí đỉnh cao.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nêu suy nghĩ: “Đi thi nghệ sĩ của sân khấu chúng tôi có thể đoạt huy chương để được phong tặng danh hiệu. Tuy nhiên danh hiệu chỉ có ý nghĩa về mặt danh dự chứ không có lợi ích vật chất bằng ai. Nghệ sĩ của chúng tôi có những quyền lợi khác hơn với công việc đang làm để không nhắm đến chuyện đi liên hoan. Hơn nữa, chuyện danh hiệu hiện nay cũng không được trao công bằng, thuyết phục. Vậy nên chúng tôi tin vào giá trị riêng là cứ làm tốt, diễn tốt đi thì sẽ được công chúng ghi nhận, yêu mến. Điều này hơn hẳn danh hiệu không thực chất”.

Khi danh hiệu, giải thưởng đã nhuốm màu tai tiếng, tiêu cực, người ta bắt đầu mơ tưởng về những kỳ liên hoan, hội diễn của thời quá vãng. Nơi mà các sân khấu tề tựu không phải để cạnh tranh thi thố, mà đến để hào hứng khoe tài. Nơi mà cuộc chơi đầy hồn nhiên và vô tư nhờ đứng bên ngoài những tiêu chí xét tặng danh hiệu Nhà nước. Nơi mà tiền nong trở thành chuyện nhỏ và chinh phục những đỉnh cao sáng tạo mới là chuyện lớn của sân khấu.

Khải Trí

Bài tiếp: Đi liên hoan chỉ để sưu tập huy chương