- Trong số hàng trăm hồ sơ đăng ký tham gia khởi nghiệp do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) khởi xướng, số hồ sơ gọi là “liên quan một chút” tới lĩnh vực nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khởi nghiệp không bao giờ dễ
TS. Phạm Minh Tuấn, đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, thừa nhận: Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất cứ ai. Nói đến khởi nghiệp là nói đến sự mạo hiểm song khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vẫn dễ thành công hơn nếu tạo ra được sự đột phá, sáng tạo. Khởi nghiệp trong nông nghiệp khó khăn hơn nhiều bởi sự đầu tư của người nông dân mới chỉ là một khâu trong cả một chuỗi liên kết. Khó nên ngại, vì thế người nông dân vẫn cô đơn trên con đường khởi nghiệp.
Trong số hàng trăm hồ sơ đăng ký tham gia khởi nghiệp do Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) khởi xướng, số hồ sơ gọi là “liên quan một chút” tới lĩnh vực nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và tất cả các hồ sơ này cũng mới chỉ nằm trong một số lĩnh vực hẹp như một số ứng dự công nghệ cao trong nông nghiệp đô thị, phân phối nông sản…, do các bạn trẻ khu vực thành thị tham gia.
Đáng buồn, không có bất cứ hồ sơ tham gia nào của nông dân, trực tiếp đầu tư khởi nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.
TS. Phạm Minh Tuấn cho biết: Một dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nếu thành công thì sẽ phát triển rất nhanh bởi nó có sự “bùng nổ, đột phá”. Trái lại, trong lĩnh vực nông nghiệp, một mặt phải xác định là sẽ rất chậm, mặt khác để thành công nó còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố về thị trường, phân phối... Bên cạnh đó là những rủi ro cũng rất cao về giá cả bấp bênh, sự chi phối của yếu tố thời tiết… Đó là lý do, rất ít bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Chưa bao giờ chúng ta lại chứng kiến một làn sóng mạnh mẽ đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay, có thể nói phần lớn các đại gia kinh tế đều đã tham gia vào lĩnh vực này với các dự án khủng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng chủ thể quan trọng nhất của nền nông nghiệp – người nông dân hầu như vẫn đứng bên lề xu thế này”, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích lưu ý.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với bất cứ ai. |
Theo ông Bích, phần lớn các dự án nông nghiệp ngàn tỷ nói trên đều được phát triển theo mô hình khép kín, ngoài việc cho doanh nghiệp thuê đất, người nông dân không tham gia được gì vào chuỗi sản xuất này.
Ngoài ra, hàng ngày, chúng ta cũng được nghe rất nhiều thông tin về những thanh niên 8X, 9X quay về làm ruộng, rồi thì những nông dân sở hữu hàng chục, hàng trăm ha đất, tạo ra doanh thu hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng… Nghe thì có vẻ triển vọng đầu tư vào nông nghiệp là rất sáng sủa nhưng trên thực tế, đó mới chỉ là những nỗ lực đơn lẻ. Và con số vài ngàn nông dân điển hình như thế chưa thấm tháp vào đâu so với một quốc gia có tới 70% nông dân trong số 90 triệu người.
Tăng quy mô, chất lượng
Ông Nguyễn Trung Đại, Giám đốc Kênh Truyền hình Nông nghiệp – Nông thôn (3N - VTC16) cho biết, mỗi ngày, tổng đài 19006145 của đơn vị này nhận tới hơn 1.200 cuộc gọi của bà con nông dân cả nước. Những yêu cầu của người nông dân rất đa dạng, nhưng phần lớn các nội dung xoay quanh các vấn đề về tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc vật nuôi và nhu cầu tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đại chia sẻ: “Vốn luôn là một yếu tố không thể thiếu nhưng ở quy mô phù hợp với đa số thì phần lớn người dân vẫn đang tự thu xếp được. Họ chỉ cần đến nguồn vốn lớn hơn sau khi đã xác định được cho mình hướng đi chắc chắn”.
Theo ông Đại, trong những năm vừa qua, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, từ miễn thuế nông nghiệp, thủy lợi phí cho đến trợ cấp giống, hỗ trợ giống miễn phí… nhưng những hỗ trợ này dường như mới chỉ đạt được ở mức an sinh. Điều người dân mong muốn không kém là sự đồng hành để họ yên tâm làm giàu thì vẫn còn rất hạn chế.
Từ 2016, 3N-VTC16 đã khởi xướng chương trình Khởi nghiệp dành cho người nông dân cả nước. Thay vì tài trợ vốn như các dự án khởi nghiệp từ trước tới nay, theo ông Đại, Kênh truyền hình không phải là một tổ chức tín dụng, sự đóng góp của doanh nghiệp cũng còn khiêm tốn, kênh đã chọn cách đồng hành với người nông dân từ quá trình lên ý tưởng, bắt tay vào đầu tư, cùng tìm thị trường. Nhờ đó, hàng trăm hộ nông dân đã nhận được hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu cả nước.
Từ lâu, Yên Thế (Bắc Giang) đã nổi tiếng với thương hiệu gà đồi. Tuy nhiên, có gần người nông dân mới biết, phần lớn bà con vẫn chăn nuôi theo tập quán cũ, sử dụng các kinh nghiệm cũ vì thế dịch bệnh vẫn phát sinh, chi phí thức ăn, chăn nuôi cao… khiến hiệu quả kinh tế không cao và thị trường luôn bấp bênh.
Năm 2016, anh Nguyễn Văn Đạt là một trong những hộ nông dân đầu tiên đăng ký tham gia chương trình Khởi nghiệp trên 3N-VTC16. “Lâu nay vẫn tưởng mình giàu kinh nghiệm, nhưng nhờ có sự tư vấn của các chuyên gia tôi mới biết đến chăn nuôi an toàn sinh học, tối ưu hóa quá trình chế biến thức ăn… Vì thế, trong khi liên tục mấy năm qua giá gà xuống thấp, xung quanh nhiều người thua lỗ thì gà thịt của tôi vẫn bán giá cao,ngay trong năm đầu tiên tham gia khởi nghiệp đã lãi được 200 triệu đồng”, anh Đạt chia sẻ.
Ông Đại cho biết. Bình quân, mỗi chuyên gia đang phải trợ giúp cho 10 – 15 mô hình nhưng năm 2017, Kênh 3N-VTC16 dự kiến sẽ hỗ trợ cho 300 nông hộ khởi nghiệp. “Mục tiêu là hết năm nay, 3N-VTC16 sẽ hình thành được CLB 500 nông hộ khởi nghiệp”.
Theo ông Đại, 500 hay 5.000 nông hộ khởi nghiệp thành công cũng vẫn là con số rất nhỏ so với khát vọng làm giàu từ đồng ruộng của hàng triệu người nông dân. Tuy nhiênđiều này sẽ tạo cảm hứng cho người nông dân vững tin vào khả năng làm giàu từ chính đồng đất của mình mặt khác sẽ thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp để từ đó hình thành một chuỗi khép kín từ sản xuất tới phân phối – tiêu thụ, đem lại giá trị lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Tường Bách - Thùy Vân