Nép mình dưới chân núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú chỉ hơn 1km, bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là nơi sinh sống, bám rễ của đồng bào dân tộc người Lô Lô, người Mông từ bao đời nay.
Sinh ra ở mảnh đất biên cương, bốn bề núi đá trùng điệp nên anh Sình Dỉ Gai, người trưởng thôn tiên phong làm du lịch ở bản Lô Lô Chải thấu hiểu những gian truân, khó khăn, vất vả của đồng bào nơi đây. Bốn bề là núi, người dân chỉ dựa vào cây ngô, cây lúa trồng trong hốc đá tai mèo. Đến mùa giáp hạt, trong nhà mèn mén cũng chẳng có để ăn chứ nói gì đến no cái bụng.
Nhưng kể từ khi tiếp cận cách làm du lịch cộng đồng đến nay, cuộc sống của đồng bào bản Lô Lô Chải đã thay đổi nhiều.
Lô Lô Chải khoác lên mình một diện mạo mới. Những con đường bê tông chạy dài tới từng xóm bản. Mái nhà cổ xưa được người dân gìn giữ. Cây xanh, hoa nở trên mọi ngả đường tạo thành một bản làng đẹp như miền cổ tích.
Anh Sình Dỉ Gai cho biết, những năm gần đây, từ khi làm du lịch, kinh doanh homestay thì đời sống người dân đã thay đổi, nhận thức được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh, nhà cửa khang trang và xe máy đi lại.
Hiện nay, toàn bộ thôn Lô Lô Chải có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ đồng bào Mông thì đã có 30 hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay. Những hộ không có điều kiện làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay thì họ sẽ nuôi lợn, gà, trồng rau cung cấp cho những hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay để phục vụ khách du lịch. Tính trung bình mỗi tháng, bản Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú, vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.
Lô Lô Chải cứ như vậy trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở xã Lũng Cú. Còn anh Sùng Dỉ Gai vinh dự là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào xây dựng nông thôn mới nơi rẻo cao.
Còn nhớ, vào tháng 3/2021, xã Lũng Cú được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên các tiêu chí mới đạt ở mức thấp, một số tiêu chí chưa thực sự bền vững.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xã Lũng Cú đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”...
Cùng với đó, Lũng Cú vận động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng; sửa chữa các công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Nhân dân trong xã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, tự nguyện chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, đóng góp tiền, ngày công làm đường, xây nhà văn hóa. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Xác định mục tiêu lớn nhất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng đời sống người dân, vì vậy xã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí Thu nhập.
Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã vận động bà con đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng vụ; liên kết sản xuất giữa nông dân với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại - dịch vụ cũng phát triển. Toàn xã có 128 hộ kinh doanh cá thể và 1 hợp tác xã.
Xã đã lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lô Lô Chải. Hàng tháng, thôn đón khoảng gần 2 nghìn lượt khách lưu trú và sử dụng dịch vụ, tạo thu nhập ổn định cho người dân trong thôn. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/người/năm.
Ông Ma Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết: Xác định xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, xã luôn thực hiện nhiều biện pháp để duy trì các tiêu chí khó và nâng cao các tiêu chí dễ thực hiện. Thời gian tới, xã tập trung vào chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân, tăng cường xử lý rác, chất thải sinh hoạt, đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp để phát triển du lịch bền vững. Chú trọng đầu tư phát triển các tuyến đường tạo thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa của nhân dân.
Sau hơn 1 năm về đích, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã biên giới địa đầu Tổ quốc vẫn đang ngày đêm nỗ lực góp sức để tô điểm cho bức tranh nông thôn mới ngày càng rực rỡ. Xã Lũng Cú giờ khoác lên mình một diện mạo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng từ điện, đường, trường, trạm. Mô hình làm du lịch cộng đồng của đồng bào ở bản Lô Lô Chải được nhân rộng dần trong xã Lũng Cú và các vùng khác.
Cuộc sống ấm no đã về trên vùng đất khó. Đặc biệt, nhận thức của bà con đã có chuyển biến rõ nét, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết khai thác lợi thế của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hà Giang