Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề (chiếm 1/3 làng nghề cả nước) và nông sản, đặc sản nổi tiếng. Đây vừa là tiềm năng vừa là nền tảng để Thành phố phát triển Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Đẩy mạnh xếp hạng, xúc tiến thương mại cho nhóm sản phẩm OCOP

Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm, đầu năm nay, Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Oai đã hỗ trợ hợp tác xã 900 triệu đồng mua máy móc phục vụ chế biến, quảng bá, kết nối giới thiệu sản phẩm tới doanh nghiệp, người tiêu dùng qua các kênh tiêu thụ.

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho hay: Năm 2019, sản phẩm "Gạo thơm Bối Khê" của hợp tác xã được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Tại huyện Thanh Oai đã có 11 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm nay, huyện phấn đấu có thêm 22 sản phẩm được chứng nhận. Để đạt được mục tiêu, huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nhóm sản phẩm này.

{keywords}
Nông thôn mới ở Hà Nội: Tăng tốc phát triển các sản phẩm OCOP

Tương tự, huyện Đông Anh, từ đầu năm đến nay đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm và đã chọn 40 sản phẩm gửi thành phố đánh giá, phân hạng OCOP trong năm 2020. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, huyện Đông Anh đã xây dựng 1 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng thời, xây dựng các chương trình phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, hỗ trợ chuỗi sơ chế, hệ thống máy móc, quảng bá các sản phẩm thông qua hội thảo, hội chợ.

Giá trị kinh tế từ các sản phẩm OCOP rất lớn

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay: Sản phẩm OCOP là một trong những thế mạnh của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Tất cả sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận theo các tiêu chuẩn sản xuất. Do đó, giá trị kinh tế từ các sản phẩm này rất lớn.

Theo ông Chí, hiện, toàn thành phố có 301 sản phẩm đánh giá, xếp hạng OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao.

“Việc phát triển sản phẩm OCOP sẽ góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các hợp tác xã và người dân, đồng thời tạo điều kiện để các loại hình kinh tế ở khu vực nông thôn phát triển; là cơ hội tốt đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, phát triển thị trường đến tiêu thụ sản phẩm, với những hàng hóa chất lượng”, ông Nguyễn Văn Chí nói.

Với hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm OCOP, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, các siêu thị, trung tâm thương mại... dự kiến tổ chức một số hội nghị, hội thảo đánh giá thế mạnh, hạn chế trong việc phát triển các sản phẩm OCOP; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với vùng, miền tại tuyến phố đi bộ Hà Nội.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ thí điểm xây dựng 5 điểm tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ 70% kinh phí cho chủ thể tham gia tại các hội chợ giới thiệu sản phẩm…

Hồng Liên
Ảnh: Diệu Thúy