Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B thông báo tái dựng kịch bản Cha yêu của cố NSƯT Thanh Hoàng với tên Mặt đối mặt để công diễn Tết Giáp Thìn 2024.

Dù bản thảo đầu tiên ra đời năm 1980, kịch bản Cha yêu (tên gốc: Thư video) vẫn còn nguyên tính thời sự. Tác phẩm xoay chuyện Trần - người con cãi lời cha, mang theo khát khao đổi đời mãnh liệt đến Mỹ tìm cơ hội. 

Khi đến xứ người, cuộc sống khắc nghiệt khiến anh vỡ mộng. Chàng trai làm việc quần quật ngày đêm, từ bốc vác, bồi bàn... đến gác cửa toilet vũ trường. Sau đó, một tai nạn ập đến khiến Trần mất khả năng làm chồng, người vợ vì thế mà bỏ đi.

Dù vậy, Trần vẫn giấu cuộc sống thật, khiến cha và các em ở Việt Nam tin mình đang một ông chủ nhà hàng phát đạt, hạnh phúc. Anh nai lưng làm việc kiếm tiền gửi về quê nhà để duy trì lời nói dối trong khi người em than nghèo kể khổ hòng vơ vét tiền của anh mình để đánh bạc. Khi người cha nhận ra tấn bi kịch, mọi thứ đã muộn màng.  

nsnd my uyen nghe so hoa trang truong dao vo co nsut thanh hoang.jpg
Mỹ Uyên bên vợ Thanh Hoàng - nghệ sĩ hóa trang Trương Đào.

Cuối thập niên 1980, kịch bản Cha yêu từng đoạt giải cao tại Liên hoan Sân khấu quần chúng toàn thành, sau đó trở thành kịch mục của CLB Sân khấu thể nghiệm (tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B hiện nay).

Năm 2007, Thanh Hoàng một lần nữa đưa kịch bản này lên sân khấu, quy tụ dàn nghệ sĩ như Việt Anh, Công Ninh, Cát Tường, Hoàng Sơn, Thanh Hải…

Khi làm công tác tiền kỳ, Giám đốc - NSND Mỹ Uyên và ê-kíp nghẹn ngào nhớ người nghệ sĩ tài hoa Thanh Hoàng. Chị kể khi căng não tìm kịch bản cho mùa Tết thì được họa sĩ Kim B gợi ý tác phẩm. Trong thâm tâm, chị muốn dựng lại tác phẩm của đàn anh mình quý mến.

Đạo diễn Chánh Trực xúc động cho hay, kịch bản Cha yêu về đề tài xuất khẩu lao động và giấc mơ đổi đời trong vòng xoáy mưu sinh còn nguyên tính mới, tính nhân văn. Anh và ê-kíp điều chỉnh một số tình tiết, lời thoại để tác phẩm phù hợp với bối cảnh 2024.

ns kim dao.jpg
Kim Đào và dàn diễn viên "Mặt đối mặt" thắp hương buổi khởi công tái dựng kịch bản "Cha yêu".

Vở Mặt đối mặt quy tụ dàn nghệ sĩ gồm Mỹ Uyên, Chánh Trực, Tô Thiên Kiều, Trọng Hiếu, Kỳ Thiên Cảnh, Kim Đào, Quốc Cường... cùng sự trở lại sàn gỗ của nghệ sĩ Lê Khâm. Nhà hát sẽ tổ chức suất diễn giới thiệu vào tối 24/1, sau đó chính thức diễn vào Tết Nguyên đán 2024.

Trích đoạn 'Dạ cổ hoài lang' - kịch bản của cố nghệ sĩ Thanh Hoàng

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, NSND Mỹ Uyên về Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B năm 1997, được cố NSƯT Thanh Hoàng dìu dắt, chỉ bảo nhiều điều, vở đầu tiên cũng có ông tham gia diễn cùng.

'Cha đẻ' Dạ cổ hoài lang từng làm việc tại đây nhiều năm với hầu hết vai trò như diễn viên, hậu đài, âm nhạc, cảnh trí... sát sao từng những góc trong nhà hát. Theo Mỹ Uyên, thành công của ông cũng như các nghệ sĩ tiền bối là kết quả quá trình trải nghiệm tất cả vị trí, những điều nhỏ nhất.

Nhiều năm làm nghề của Mỹ Uyên luôn có dấu ấn của Thanh Hoàng. Vở Cõi tình hai người đóng cặp thành công vang dội, diễn mấy năm liền khán giả không chán.

"Để có tác phẩm như vậy, chúng tôi không tránh khỏi tranh cãi, giận hờn. Khi sân khấu 5B không còn ở thời kỳ huy hoàng, Cõi tình và nhiều vở chúng tôi làm việc cùng nhau mãi là dấu ấn không thể quên", chị cho hay.

Mỹ Uyên và Thanh Hoàng đồng hành Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B qua từng thăng trầm: từ khi sân khấu xã hội hóa đến kịch nói thoái trào, bị lấn lướt bởi các loại hình giải trí mới, thậm chí là giai đoạn gameshow phát triển đến đỉnh điểm. 

Vài tháng trước khi qua đời, Thanh Hoàng bất ngờ xin nghỉ, giấu kín bệnh tình. Những ngày cuối cùng của cố nghệ sĩ, bên cạnh người vợ tảo tần là người em thân thiết Mỹ Uyên.

Sau này trở thành giám đốc, NSND học theo đàn anh, tham gia vào tất cả khâu vận hành sân khấu. Chị cũng dốc lòng chỉ bảo, dìu dắt các diễn viên đàn em trong sân khấu giống những gì ông làm năm xưa.