Quê hương Vụ Bản đang có sự đổi thay tích cực. Với mục tiêu đưa mỗi làng quê của Vụ Bản trở thành miền quê đáng sống, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Vụ Bản sau khi về đích nông thôn mới đã tập trung mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, ngày 27/02/2019, huyện Vụ Bản được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.

Với phương châm, xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện tập trung thực hiện tốt định hướng: không ngừng củng cố để đảm bảo tính bền vững và nâng chất toàn diện các tiêu chí NTM cấp xã và cấp huyện.

Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nông thôn ngày càng đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, môi trường sáng – xanh - sạch - đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 0,87%. Đường làng, ngõ xóm được bê tông rộng rãi; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố, là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động cộng đồng cho nhân dân...

W-vuban.png
Sắc màu ấm no ở huyện NTM Vụ Bản

Những ngôi nhà tranh vách đất, nhà cấp bốn xập xệ, xuống cấp đã được thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng. 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục an ninh xã hội có nhiều bước phát triển mới; Quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của vùng đất Thiên Bản tiếp tục được gìn giữ và phát huy; “Lễ hội Phủ Dầy”, “Nghi lễ chầu văn của người Việt” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, Kinh tế của huyện tăng trưởng bình quân từ 11-13%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng hướng.

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, huyện nhà đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối với các huyện, các tỉnh; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút nhiều nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên và căn cứ vào thực tế địa phương để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả qua từng giai đoạn. Từ việc đổi mới quan hệ sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất đến thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của huyện đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đến nay, toàn huyện đã triển khai và thực hiện hiệu quả 20 mô hình khuyến nông, ứng dụng tiến bộ KHCN, mô hình chuỗi liên kết sản xuất; có 20 sản phẩm/12 xã được Tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn và xếp hạng OCOP.

Song song với phát triển nông nghiệp, Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ Huyện Vụ Bản đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Trong đó, huyện đã triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Côi, diện tích 50 ha. Khu công nghiệp Bảo Minh trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh, quy mô 215 ha, có 13 nhà đầu tư thứ cấp với 14 dự án, tổng vốn đầu tư 11.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 14.000 lao động. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động Cụm công nghiệp tập trung xã Quang Trung, Trung Thành và các điểm công nghiệp tại các xã Hiển Khánh, Minh Tân, Thị trấn Gôi, Hợp Hưng, Thành Lợi …

Các doanh nghiệp, làng nghề và 5.400 cơ sở sản xuất đã giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,34%/ năm. Các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Nhất là trong những năm gần đây, dịch vụ, thương mại có những bước phát triển mới cả về quy mô, tốc độ và các loại hình, đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Số lượng khách du lịch các lễ hội truyền thống; du lịch tâm linh tại Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy và Khu du lịch sinh thái Núi Ngăm tăng nhanh. Các ngành thông tin, bưu chính, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, y tế… được mở rộng và đầu tư hiện đại với nhiều loại hình dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Giá trị dịch vụ, thương mại, du lịch năm 2023 ước 1.666 tỷ đồng, tăng 1,07 % so với năm 2022.

Những thông tin trên là minh chứng sống động cho thấy bức tranh nông thôn mới sáng, xanh, sạch, đẹp ở huyện Vụ Bản được dệt nên bởi sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động của cán bộ và Nhân dân trong thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm dừng, việc hoàn thành các tiêu chí đã khó nhưng làm sao để giữ vững các tiêu chí lại càng khó hơn. Do đó, các địa phương trong huyện sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngày càng bứt phá vươn lên, cùng với cả huyện, cả tỉnh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu xây dựng quê hương Vụ Bản thực sự là miền quê đáng sống.