Deborah Nelson – nữ nhà báo điều tra người Mỹ, phóng viên của The Los Angeles Times, người đã từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer, là tác giả của loạt bài viết phơi bày tội ác lính Mỹ gây ra ở Việt Nam trong cuộc thảm sát Mỹ Lai gần 50 năm về trước.

{keywords}
Nhà báo Deborah Nelson

Vượt nửa vòng trái đất, dành thời gian hàng năm trời để gõ cửa từng ngôi nhà những cựu binh tham gia cuộc thảm sát 19 người vô tội ở Việt Nam vào tháng 2/1968, Deborah Nelson thuyết phục họ lên tiếng về vụ việc tưởng như đã được lãng quên. Bà cũng là người nhiều tháng trời lặn lội ở Việt Nam tìm gặp những nhân chứng để tái hiện một câu chuyện kinh hoàng.

Hơn tất cả, nữ nhà báo đã trao cho những người lính Mỹ tham gia cuộc thảm sát mà họ phải thực hiện theo mệnh lệnh một cơ hội, đó là được nói lời xin lỗi những nạn nhân của họ!

Những ngày giữa tháng 5/2017, sau 12 năm loạt bài “Phía sau tội ác” được đăng tải, Deborah Nelson chia sẻ những câu chuyện của một nhà báo đầy lương tâm.

Lật lại lịch sử

Tháng 2/1968, một tháng trước cuộc thảm sát tai tiếng ở Mỹ Lai, một đơn vị lính Mỹ ở miền Trung Việt Nam đi càn qua một ngôi làng nhỏ, bắt được 19 người dân không có vũ trang – bao gồm phụ nữ, trẻ em, thiếu niên và một người đàn ông lớn tuổi.

Hôm đó, toán lính nhận được mệnh lệnh “giết sạch những gì di động”. Họ dồn dân làng vào nơi trống trải rồi nã đạn. Sau vụ việc, thanh tra quân đội lấy lời khai có tuyên thệ của hàng tá binh sĩ, thu thập được nhiều chi tiết ám ảnh miêu tả lại cuộc thảm sát. Tuy nhiên, vụ việc bị chìm xuồng, không ai bị kết tội.

Những lời khai đó – và ghi nhận của hàng trăm cựu chiến binh Mỹ khác từng chứng kiến các vụ thảm sát, giết chóc, cưỡng hiếp, tra tấn – được Ban tham mưu lục quân Mỹ những năm 1970 đưa vào diện hồ sơ đặc biệt cần lưu trữ bí mật và cất kỹ suốt ba mươi năm. Hồ sơ bao gồm cả những vụ việc đã được chứng minh liên can đến hơn 300 lời cáo buộc, liên đới đến thành viên mọi sư đoàn lớn từng tham gia cuộc chiến.

Năm 2005, nữ nhà báo Deborah Nelson và nhà sử học quân sự Nicholas Turse đã cùng nhau bắt tay tìm hiểu sự thật phía sau những chồng hồ sơ mật. Những bài báo sau đó đã được đăng tải, và được in thành cuốn sách “Phía sau cuộc chiến” – câu chuyện đầy đủ nhất về quá trình hai tác giả đi tìm câu trả lời từ những người bị cáo buộc phạm vào tội ác chiến tranh, từ những nhân chứng cáo buộc và cả các quan chức cấp cao đã che giấu sự thật.

{keywords}
Ảnh: Di Linh

“Phía sau tội ác” lần đầu tiên nhìn thẳng vào những bí mật đen tối nhất về cuộc chiến ở Việt Nam, cũng là lời bào chữa cho những cựu lính Mỹ đã dũng cảm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa cũng như những nhà hoạt động chính trị phản chiến của thời đại - những người kêu gọi sự cảm thông của cộng đồng với những sai lầm trong quá khứ.

Đã hơn 10 năm trôi qua, thế nhưng, Deborah Nelson vẫn không quên một chi tiết dù là nhỏ nhất về thời gian bà cùng cộng sự thực hiện điều tra vụ việc này. Bà nói, theo quy định của luật pháp tại Mỹ, sau 30 năm, tất cả các hồ sơ mật – những thứ được cất giữ không được phép tiết lộ, sẽ không còn là mật nữa.

Thế nhưng, để biến những tài liệu khô cứng thu thập được, “giải mật” nó bằng những câu chuyện, những nhân chứng, những lời thú tội của tất cả các nhân vật có liên quan, gồm cả nạn nhân, nhân chứng và những lính Mỹ…, thì đó lại là một công việc khổng lồ, và cần rất nhiều kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp mới làm được.

“Tôi nhớ đó là năm 2005, tôi bắt đầu tiếp cận núi hồ sơ khổng lồ này, bao gồm 9.000 tập tài liệu. Tất cả, nó được lưu trữ tại một căn phòng khổng lồ như một cái thư viện lớn. Thời gian đã khiến bụi phủ lên chúng những dấu tích. Tôi phải bắc ghế, thậm chí bắc thang để với được nó” – Deborah Nelson nói.

Chạm tay vào những tài liệu trước đó là mật, Deborah nói, giống như chạm tới một khối băng khổng lồ, và hơn hết, nó liên quan tới danh dự, lương tâm của những người trong cuộc.

Bằng một phương pháp rất khoa học, Deborah phân nhóm chúng ra, tất cả thể hiện trên một bảng exel, theo nhiều khung cột, cái mà bà gọi là phương pháp phân loại dữ liệu.

“Thông tin nó rất khổng lồ. Có cả những con số. Tôi phải làm như vậy để mình không bị quên, không bỏ sót thông tin, lựa chọn và sử dụng các thông tin cần thiết, đặt những câu hỏi về những thông tin mà cảm thấy băn khoăn, cần được những người trong cuộc giải thích”.

Từ bảng dữ liệu này, Deborah Nelson nói rằng, bà lên kế hoạch trong đầu, là cần phải trực tiếp gặp những cựu binh tham gia cuộc thảm sát đó – những người có tội đối với những nạn nhân. Một nhóm đối tượng khác, đó là những nhân chứng, người nhà của các nạn nhân – những người mà bà chưa từng gặp, chưa từng đặt chân tới Việt Nam, nhưng không thể không đến, nếu như muốn điều tra sự việc một cách đầy đủ, toàn diện nhất.

Một khó khăn khác, đó là 30 năm đã trôi qua, những cựu binh bây giờ đã già, người còn, người mất. Và, làm thế nào để có thể thuyết phục được họ nói về câu chuyện mà chắc chắn, ai cũng sẽ lảng tránh?

Lại dựa trên phân tích dữ liệu. Deborah Nelson đã lên trang web quản lý nhân thân của các công dân Mỹ. Trang web này được công bố công khai. Bà sử dụng thông tin từ đây, để tìm địa chỉ nhà của các cựu binh mà bà sẽ gặp.

Thoáng trong ánh mắt xa xăm màu xanh, cặp kính cận nhòe hơi nước… Không thể đoán tuổi của nữ nhà báo dày dặn kinh nghiệm đã từng thực hiện điều tra nhiều vụ việc đình đám này. Tất cả từ bà, toát lên sức sống, sự trẻ trung của một trái tim đầy nhiệt huyết, đam mê.

Tôi, một đồng nghiệp thế hệ sau của bà, dù không cùng ngôn ngữ, nhưng cùng chung một đam mê, sự dấn thân, lòng yêu nghề, yêu những thông tin quý giá mà mình phải vất vả mới có được.

Trong một thoáng gần như bất chợt, tôi như cảm nhận được những cảm hứng bất tận đối với nghề báo mà Deborah Nelson truyền sang tôi, ngay lúc này…

Di Linh (bài và ảnh)