Ước mơ thoát nghèo
Tào Hiểu Khiết được sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở thị trấn Lân Ngọc, thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Bố mẹ đều là nông dân, cả gia đình chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng. "Khi tôi còn nhỏ, điều kiện tài chính của gia đình không tốt. Tôi và em trai thường xuyên nợ học phí hàng chục nhân dân tệ. Nhưng dù khó khăn đến đâu, bố mẹ tôi cũng không bao giờ cho tôi bỏ học".
Cô chia sẻ, bố mẹ thường nói rằng: "Chỉ có đọc sách và học hành chăm chỉ mới là con đường duy nhất để bước vào cánh cửa đại học". Nhận thức được vấn đề, ngay từ nhỏ, cô đã cố gắng chăm chỉ học tập để lớn lên thoát nghèo và phụ giúp bố mẹ.
Năm 2005, Tào Hiểu Khiết bước vào kỳ thi đại học nhưng không đạt được điểm số khả quan. Một năm sau, cô thi lại được 385 điểm, nhưng vẫn không đủ đỗ vào Đại học Y.
Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ không còn khả năng nuôi dưỡng thêm 1 năm ăn học để ôn thi lại, Tào Hiểu Khiết quyết định đăng ký vào Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Phần mềm Tiên phong Giang Tây với chuyên ngành Công nghệ thông tin.
Cần cù bù thông minh
Tào Hiểu Khiết được mệnh là cô gái kém thông minh nhất lớp. "Cô ấy khá ngốc, môn học nào cũng không hiểu bài. Sau mỗi giờ học, Tào Hiểu Khiết đều chạy đi để hỏi han mọi người", bạn học cùng cao đẳng đánh giá cô.
Nhận thức được xuất phát điểm kém hơn, Tào Hiểu Khiết thường xuyên đến thư viện nhà trường để tìm sách đọc thêm. Hơn nữa, đây còn là ngành khoa học với sự lựa chọn ngẫu nhiên, cho nên đối với Tào Hiểu Khiết khó khăn lại nhân lên gấp đôi.
Ý thức được điều này, trong quá trình học Tào Hiểu Khiết luôn nỗ lực, cố gắng hết sức. Sau một thời gian, cô đã bắt kịp được với bạn học nhờ sự chăm chỉ của bản thân. Thậm chí, cô còn tự nghiên cứu được chương trình học, vượt tiến độ giảng dạy của giáo viên.
Tự tìm kiếm cơ hội cho bản thân
Tào Hiểu Khiết là một trong những sinh viên của lớp có trình độ tiếng Anh tốt. Ngay từ năm thứ nhất, cô may mắn được chọn vào lớp trao đổi sinh viên Ấn Độ - Trung Quốc nhờ khả năng tiếng Anh và kỹ năng quản lý tổ chức tốt. Thậm chí, Tào Hiểu Khiết còn là phiên dịch cho giảng viên trong lớp học này.
Cô luôn tự tìm kiếm cơ hội cho bản thân, với sự năng động, nhanh nhạy, cùng khả năng kết nối mọi người, Tào Hiểu Khiết còn là Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học của sinh viên, Phó Chủ tịch Hội sinh viên "Giỏi việc học, đảm việc trường". Thậm chí, trong các sự kiện quan trọng của trường và CLB, cô còn là thành viên của BTC.
Sau khi kết thúc khoá học trao đổi Ấn - Trung, Tào Hiểu Khiết tiếp tục là thành viên danh dự trong lớp học thứ 2 của trường kết hợp với công ty đa quốc gia IBM. Tại đây, cô đã giành được kết quả học tập xuất sắc toàn khoá.
Nỗ lực đạt được mục tiêu
Sang đến năm 2, Tào Hiểu Khiết có định hướng thực tập tại một công ty phần mềm của Nhật Bản. Tuy nhiên, rào cản lúc này của cô là không biết tiếng Nhật. Do đó, trong khoảng thời gian này, Tào Hiểu Khiết đã thành lập 1 nhóm học tiếng Nhật mang tên "Septwolwes" và cô là trưởng nhóm.
Sau một thời gian, Tào Hiểu Khiết cùng các bạn đã có thể nói được tiếng Nhật. Mặc dù, tiếng Nhật không phải là thế mạnh của cô, nhưng Tào Hiểu Khiết vẫn luôn nỗ lực học với mục tiêu vào công ty phần mềm của Nhật thực tập.
Kết quả, cô được công ty nhận vào thực tập. Chỉ 3 tháng thực tập tại đây, Tào Hiểu Khiết đã tham gia phát triển được một số trang web lớn tại tỉnh Giang Tây.
Năm 2008, Tào Hiểu Khiết nhận được tấm bằng tốt nghiệp. Cô quyết định tham gia ứng tuyển vào công ty phần mềm Phúc Phú.
Trong khi chờ kết quả, cô mạnh dạn nộp hồ sơ vào công ty phần mềm Infosys, Ấn Độ và nhận được lời mời phỏng vấn. Chưa dừng lại ở đó, Tào Hiểu Khiết còn nộp đơn ứng tuyển vào công ty phần mềm hàng đầu của Mỹ - IBM.
Không lâu sau, cô nhận được lời mời của cả 3 công ty. Sau một thời gian cân nhắc, Tào Hiểu Khiết chính thức gia nhập công ty IBM. Cô là cử nhân cao đẳng duy nhất trong tổng số 16 người trúng tuyển vào công ty IBM.
Chia sẻ về lý do chọn IBM, cô cho biết: "Tôi chịu được áp lực. Hơn nữa, tôi cảm thấy bản thân phù hợp với chiến lược phát triển của công ty".
Ngoài ra, sự nỗ lực của bản thân cùng với khả năng thành thạo tiếng Anh, tiếng Nhật cũng là một trong những yếu tố giúp cô có cơ hội làm việc tại IBM.
An Dương (Theo Sina)