Đêm giao thừa, thay vì cùng bố mẹ đi ra đình, chùa rồi “đếm ngược” thời gian chào đón năm mới, Cẩm Mai Lan ở lại ký túc xá, bật laptop xem chương trình chào xuân. Đây là lần đầu tiên nữ sinh năm 2 đón cái Tết xa nhà, trong một hoàn cảnh đặc biệt.

“Chí Linh, Hải Dương bỗng chốc trở thành “tâm dịch”, vì thế em không thể trở về nhà. Bao kế hoạch đón Tết cùng gia đình cuối cùng đều không thể thực hiện”.

Một mình ở lại trong phòng ký túc xá, dù cảm thấy tủi thân, nhưng nữ sinh Hải Dương đã tự tìm cách tạo ra niềm vui cho mình.

“Chiều 30, em vừa mở nhạc xuân, vừa dọn dẹp phòng sạch sẽ để có thêm không khí Tết. Sau khi xem xong Táo Quân, em gọi điện về chúc mừng năm mới bố mẹ và bà nội để mọi người ở nhà an tâm hơn, bớt lo lắng cho mình”.

Ký túc xá Trường ĐH Giao thông Vận tải vắng lặng trong đêm giao thừa

Chuẩn bị chút bánh kẹo và mứt Tết, Cẩm Lan chụp một tấm hình, đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội về một năm đã đi qua. Cô cho rằng, những trải nghiệm lần này sẽ khiến bản thân trưởng thành và biết quan tâm tới gia đình nhiều hơn.

Nam sinh đón Tết ở nơi làm thêm

Giống như Lan, Nguyễn Đức Sơn, sinh viên lớp Chất lượng cao Máy tính và Khoa học thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng không thể về quê ăn Tết. Năm nay, cậu phải đón giao thừa tại nơi làm thêm. Công việc bảo vệ suốt 12 tiếng mỗi ngày, từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau khiến Sơn không còn thời gian buồn hay tủi thân khi phải đón Tết xa nhà.

“Quê em ở Chí Linh, Hải Dương. Vì dịch nên bố mẹ khuyên em ở lại để đảm bảo an toàn. Ai cũng vậy, cứ đi đâu xa, không được ở nhà dịp Tết là lại thấy nhớ nhà. Vì thế, trong suốt hơn 10 ngày nghỉ Tết, em quyết định đi làm thêm để không còn thời gian nhớ quê.

Buổi tối đi làm thêm, tới sáng em về tắm rửa và ngủ. Sau vài ngày, em đã dần quen với nhịp làm việc này”, Sơn chia sẻ.

{keywords}

Bữa cơm tất niên do Ngọc Lan tự tay chuẩn bị 

Dù phải đón Tết xa nhà nhưng Nguyễn Thị Ngọc Lan, sinh viên ngành Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên “bớt buồn hơn” khi có người bạn cùng phòng cũng ở lại Hà Nội đón Tết. Ngày 30, cả hai rủ nhau chuẩn bị vài món ăn quen thuộc, có thêm xôi đỗ và bánh chưng để bữa cơm tất niên thêm trọn vẹn.

“Năm đầu tiên đón Tết xa nhà vì Covid-19, mọi thứ với chúng em đều rất lạ lẫm. Xem xong Táo Quân, mỗi đứa một góc gọi điện về nhà mà mắt cứ rưng rưng. Mọi năm Tết đến đều được bố mẹ chuẩn bị cho, tụi em không cần phải lo lắng điều gì. Năm nay, cả hai phải tự tay chuẩn bị mọi thứ, dù đạm bạc, nhưng phần nào cũng có hương vị Tết”.

Lan cho biết, niềm động viên lớn nhất trong dịp Tết là nhận được sự quan tâm của thầy cô và ban quản lý ký túc xá. 

Sinh viên Lào ăn Tết Việt

Dịp Tết này, Chanthalath Phennapha, sinh viên Lào, K18, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM không trở về nước mà quyết định ở lại Việt Nam ăn Tết.

Có 3 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên Phennapha ở lại đây dịp này. Phòng ký túc xá của Phennapha có 8 người, trong đó có 6 bạn người Lào.  

“Trước đây, em không biết ăn Tết Việt Nam là như thế nào. Nhưng dịp Tết, đa số các bạn đều về quê khiến ký túc xá trở nên vắng vẻ”, Phennapha kể.

Tuy nhiên, Phennapha cho rằng, ban quản lý ký túc xá và nhà trường rất quan tâm tới sinh viên. Cậu cũng cảm thấy bớt buồn hơn khi được tham gia chương trình sinh viên đón Tết xa nhà và được phát thức ăn đủ cho suốt những ngày Tết.

“Em được ăn những món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh Tét, củ kiệu. Đây đều là những món em rất yêu thích”, Phennapha nói.

Đêm giao thừa năm nay, Phennapha cùng một người bạn Việt Nam trong ký túc xá rủ nhau xem chương trình Táo quân và “đếm ngược” thời gian bước sang năm mới.

{keywords}

{keywords}

Ban quản lý ký túc xá chúc Tết và tặng lì xì cho sinh viên trong dịp Tết.

Theo ông Hồ Thành Công, Giám đốc ban quản lý Ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, dịp Tết này có khoảng 30 sinh viên đăng ký ở lại ký túc xá của trường. Trong số đó, có 18 sinh viên là những du học sinh Lào không thể trở về nước. Ngoài ra, có một số sinh viên năm cuối ở lại làm đồ án tốt nghiệp, một số sinh viên do hoàn cảnh khó khăn nên ở lại, hoặc do gia đình sống ở vùng có dịch Covid-19.

Thúy Nga – Lê Huyền

Giao thừa lặng lẽ ở khu cách ly 138 học sinh tiểu học ở Hải Dương

Giao thừa lặng lẽ ở khu cách ly 138 học sinh tiểu học ở Hải Dương

Vì nhiều lý do, các hoạt động trong đêm giao thừa ở khu cách ly Trường THCS Sao Đỏ và Trường Tiểu học Xuân Phương đã không diễn ra.