Bài 1: Ngôi nhà 30m2 xây bằng đá vụn của gia đình cô gái giành 3 HCV SEA Games 32
Có lẽ nhiều người hâm mộ thể thao vẫn chưa quên được hình ảnh vận động viên Phạm Thị Hồng Lệ ngất xỉu phải cấp cứu, thở oxy khi vừa về đích nội dung marathon 42km tại SEA Games 30 ở Philippines.
Tại SEA Games 32 vừa qua, cô gái bé nhỏ ấy lại một lần nữa giành được 2 HCB nội dung 5.000 và 10.000m, chỉ sau VĐV đàn chị Nguyễn Thị Oanh.
Để có được những tấm huy chương ấy, Hồng Lệ phải trải qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt trên đường chạy.
Cố gắng giành huy chương để có tiền giúp bố mẹ
Hồng Lệ (SN 1998) sinh ra trong một gia đình nông dân ở đất võ Bình Định. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ và anh chị cô đều đi làm thuê, bươn chải đủ nghề kiếm sống. Là con gái thứ 5 trong gia đình có 6 người con, chỉ Hồng Lệ theo con đường thể thao chuyên nghiệp.
Khi còn là học sinh cấp 2, Lệ đoạt giải trong một cuộc thi chạy ở trường. Cô được cử đi tham gia thi huyện, thi tỉnh. Thành tích xuất sắc của cô gái có vóc dáng nhỏ bé đã lọt “mắt xanh” của các thầy trong Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Bình Định.
“Lúc ấy bố mẹ không đồng ý cho tôi đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Gia đình kinh tế rất khó khăn, bố mẹ, anh chị đều phải đi làm. Vì thế, bố mẹ muốn tôi ở nhà chăm sóc bà tuổi cao sức yếu”, Hồng Lệ kể lại.
Nhưng bằng tất cả niềm đam mê với thể thao, với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo, Hồng Lệ đã thuyết phục được bố mẹ. Cô nữ sinh 15 tuổi khăn gói lên Quy Nhơn vừa học cấp 3 vừa tham gia tập luyện điền kinh cùng các thầy.
Sau 11 năm đến với điền kinh, Hồng Lệ đã giành được 1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ SEA Games. Ngoài ra, cô từng nắm giữ kỷ lục trên đường chạy 10.000m nữ với thành tích 34'01"59 tại giải Vô địch điền kinh quốc gia 2021, cùng nhiều thành tích tại các giải thi đấu trong nước.
Gặt hái nhiều huy chương, "bông hồng thép" của điền kinh Việt Nam dành tiền thưởng để hỗ trợ bố mẹ trả nợ. Ngay khi nhận được tiền thưởng từ chiếc HCĐ đầu tiên tại SEA Games 29 năm 2017, gom cùng với tiền tiết kiệm, Lệ phụ giúp bố mẹ xây ngôi nhà kiên cố tại quê hương Bình Định.
Từ đó, cứ mỗi năm, cô gái nhỏ nhắn cố gắng đạt thành tích cao nhất để mang tiền về giúp bố mẹ trả nợ.
Lệ chi tiêu rất tiết kiệm, tích cóp từng đồng phụ cấp. “Ngoài những đồ phục vụ cho tập luyện, thi đấu, tôi hạn chế mua sắm, ăn uống. Nếu tôi đi ăn hàng hết 200.000đ thì số tiền đó bố mẹ ở nhà ăn 5 ngày. Vì thế trước khi chi tiêu, tôi luôn cân nhắc xem có cần thiết hay không”, Lệ tâm sự.
“Tiền thưởng chiếc HCV tại SEA Games 31, tôi đã dùng để trả nốt khoản nợ cuối cùng cho bố mẹ”, Hồng Lệ kể lại.
Vét sạch tiền chữa chấn thương
Cô gái nhỏ nhắn cao 1m52 tâm sự: “Tôi chỉ mong khỏi chấn thương để có thể tập luyện và thi đấu hết sức mình. Tôi là người rất cầu tiến. Chưa bao giờ tôi hài lòng với thành tích mình đã đạt được mà luôn muốn đạt thành tích cao hơn nữa".
Trên đường chạy, Hồng Lệ nghĩ tới những tháng ngày khổ luyện, nghĩ tới gia đình, tới HLV để cố gắng về đích thật nhanh. Nhưng cô gái 9X không may mắn khi gặp phải chấn thương kéo dài và liên tục, cô còn mắc phải hội chứng viêm điểm bám dải chậu chày.
“Tôi đã tiêu tốn rất nhiều tiền để chữa căn bệnh mãn tính này. Số tiền đó chắc chắn nhiều hơn cả tiền thưởng HCB tôi sẽ nhận được. Tôi chi tiêu rất tiết kiệm, nhưng để chăm sóc sức khỏe, giúp sức cho tập luyện, tôi sẵn sàng chi tiền”, Lệ nói.
SEA Games 32 đã kết thúc, Hồng Lệ trở về trong vòng tay chào đón của các thầy HLV ở Bình Định và tiếp tục tập luyện. Tới thời điểm này, Lệ vẫn chưa biết được tổng số tiền thưởng cho thành tích vừa đạt được của mình là bao nhiêu.
Nguyễn Minh Hồng (SN 1997, Nam Định) - bạn trai của Hồng Lệ, cũng từng là VĐV chuyên nghiệp cho hay: “Cô ấy vừa giành 2 HCB tại SEA Games 32. Có thể với hơn 700 VĐV tham dự thì cô ấy chẳng hề nổi bật. Người ta chỉ chú ý tới những chiếc HCV mà thôi. Nhưng với tôi, cô ấy đã cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ bất chấp chấn thương kéo dài liên miên. Sau tất cả, cô ấy chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Tuy Lệ không được đứng trên bục cao nhất nhưng thật sự tôi luôn tự hào về cô ấy”.
Khép lại SEA Games 32, Đoàn Thể thao Việt Nam đạt thành tích 136 huy chương Vàng, 105 huy chương Bạc và 114 huy chương Đồng, xếp thứ nhất toàn đoàn. Hậu SEA Games, các vận động viên trở lại guồng quay tập luyện và mưu sinh, hỗ trợ kinh tế cho gia đình. Trong số đó, một số vận động viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này khiến người trong cuộc phải gồng gánh, vừa cống hiến cho nền thể thao nước nhà vừa phụ giúp kinh tế cho gia đình. VietNamNet đăng tải tuyến bài Cuộc sống của các vận động viên SEA Games 32 hậu mang huy chương về nước để người hâm mộ hiểu hơn về họ. |
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bài 3: Cầu thủ Vũ Thị Hoa: Bố mất sớm, chắt chiu từng đồng lương phụ mẹ nuôi 3 em