Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1/2024, nước ta xuất khẩu gần 95.800 tấn cà phê, thu về 283 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 4,1% nhưng giá trị lại tăng mạnh 39,4%.
Theo đó, cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao thứ 3 của ngành nông nghiệp trong nửa đầu tháng 1 năm nay, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ (629,7 triệu USD) và thuỷ sản (318 triệu USD).
Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu cà phê tăng vọt là bởi mặt hàng này vào đà tăng giá mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta (loại cà phê được trồng chủ yếu ở Việt Nam) trên sàn ICE Europe - London tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 92 USD, lên 3.220 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 71 USD, lên 3.038 USD/tấn.
Các nhận định cho thấy, giá cà phê Robusta tăng vọt do dữ liệu báo cáo tồn kho ICE giám sát ngày 22/1 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2014. Cà phê Arabica nối tiếp đà tăng mạnh khi tồn kho ICE vẫn quanh quẩn mức thấp nhất 24 năm. Điều này khiến nhà đầu cơ và các quỹ tiếp tục đẩy mạnh mua vào.
Cùng với đó, cước vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa thế giới do định tuyến vận chuyển kéo dài (phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi) và điều kiện khô hạn ở Brazil góp phần thúc đẩy cơn “bão giá” cà phê trên thị trường toàn cầu tăng.
Tại thủ phủ cà phê Tây Nguyên ở nước ta, giá cà phê nhân xô đã tăng lên ngưỡng 73.500-74.200 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử.
Anh Nguyễn Văn Tùng ở Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết, những ngày này giá cà phê tăng mạnh, các đại lý đang chào giá thu mua cà phê Robusta ở mức 73.000-74.000 đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện tăng 85%.
Gia đình anh Tùng trồng gần 4ha cà phê, sản lượng đạt gần 20 tấn nhân. Anh đã bán được một nửa số cà phê nhân với giá trên dưới 70.000 đồng/kg, phần còn lại định chờ giá cao hơn mới bán tiếp.
“Vụ này vừa được mùa vừa được giá. Tôi nhẩm tính thu về khoảng 1,4 tỷ đồng từ bán cà phê nhân”. Anh nói và cho biết, sau hơn 10 năm trồng cà phê, đây là năm anh bán được giá nhất, tiền đút túi cũng nhiều nhất nên Tết này dự kiến to hơn.
Định găm hàng đến giáp Tết Nguyên đán mới xuất bán, nhưng khi được trả mức giá cao “ngoài sức tưởng tượng”, chị Vũ Thị Minh ở Đắk Lắk quyết định xuất bán hết 12 tấn cà phê nhân vừa thu hoạch.
“Tôi bán cà phê nhân từ giữa tháng 1 với giá 71.000 đồng mà các địa lý vẫn tranh nhau mua”, chị nói. Nhớ lại tầm này năm ngoái, chị phải tự tìm mối để bán cà phê, năm nay các đầu mối tự tìm về tận nhà chị để hỏi mua.
Bán hết lượng cà phê mình có, chị Minh thu về 850 triệu đồng. Trừ chi phí, chị lãi một khoản khá cao.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, trên thị trường thế giới cà phê đang trong cơn "bão giá" do mất cân bằng cung - cầu. Tại thị trường trong nước, giá cà phê tăng theo từng ngày, liên tục phá đỉnh lịch sử.
Theo đó, những nông dân ký hợp đồng mua bán, nhận cọc tiền trước từ giữa năm ngoái với giá 50.000-60.000 đồng/kg đã có lãi khá. Còn các hộ dân chờ đến thời điểm này thu hoạch xong mới xuất bán thì trúng đậm dù sản lượng năm nay giảm.
Ở nước ta, doanh nghiệp và nhiều nhà vườn cho biết, vụ thu hoạch năm nay sản lượng cà phê giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá thu mua cao nên nông dân vẫn lãi lớn.