- Nước mắm truyền thống vốn được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt, nó tồn tại hàng trăm năm nay, có mặt ở hầu hết mâm cơm của gia đình Việt. Thế nhưng, năm 2016 nước mắm truyền thống lại gặp "bão tố" khi bị quy án nhiễm asen vượt ngưỡng.
Sự việc bắt đầu vào ngày 17/10 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) họp báo công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy: 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng asen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Điểm đáng lưu ý, các loại nước mắm bị nhiễm asen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao.
Thông tin của Vinastas công bố ngay lập tức được báo chí đăng tải và được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, khiến cả xã hội rúng động. Hậu quả, các doanh nghiệp nước mắm truyền thống bị trả lại hàng, siêu thị cũng dỡ bở nước mắm truyền thống ra khỏi quầy kệ. Nước mắm tắc đầu ra và hàng triệu ngư dân bị dồn vào cảnh khốn khó.
Cũng may, các bộ ngành đồng loạt vào cuộc và nước mắm truyền thống đã được giải nỗi oan nhiễm asen vượt ngưỡng. Bên cạnh đó, câu chuyện truyền thông "bẩn" được đề cập, dư luận đặt ra nghi vấn rằng Vinastas làm vậy với mục đích gì? Ai đứng đằng sau giật dây? Ai được hưởng lợi khi mắm truyền thống tẩy chay?...
Sự việc đã được sáng tỏ khi cơ quan chức năng công bố Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy chính là người đứng đằng sau tài trợ tiền cho Vinastas tiến hành các hoạt động dẫn đến sự cố nước mắm truyền thống nhiễm asen.
Cuối cùng Vinastas đã chính thức xin lỗi người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm về sự cố trên. Thế nhưng, dư luận cho rằng, người gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý nghiêm minh, người gây ra cuộc chiến phải bị loại khỏi cuộc chơi. Bởi, nếu không sẽ còn nhiều cuộc cạnh tranh "bẩn" diễn ra giống như cuộc chiến nước mắm vừa qua.
Ban Kinh doanh