XEM CLIP:

Sáng 25/7, trong ngày Quốc tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân ở khắp mọi miền, suốt chiều dài đất nước đã bày tỏ lòng tiếc thương ông theo cách của riêng mình.

Trong dòng người xếp hàng chờ được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà huyện Đông Anh, ở Nhà tang lễ Quốc gia-nơi đặt linh cữu Tổng Bí thư và tại điểm viếng TPHCM, người dân đã chia sẻ những câu chuyện về một vị lãnh đạo bình dị, luôn nêu gương, khiêm nhường, liêm khiết, chí công vô tư.

W-hà nọi loan.jpg
Bà Đoàn Thị Ngọc Loan không cầm được nước mắt trong khi chờ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đình Hiếu

Xếp hàng từ sớm trên cung đường hướng vào Nhà tang lễ Quốc gia, bà Đoàn Thị Ngọc Loan (65 tuổi, Hội Cựu chiến binh thôn Phúc Xuyên, xã Võng Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) rưng rưng: "Từ khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi như mất đi người thân".

"Biết tin người dân được vào viếng Tổng Bí thư, tôi đã đi từ hôm qua, thuê nhà ở gần đây để sớm nay xếp hàng mong được vào viếng", bà Loan ngậm ngùi.

Tại sân đình làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay từ sáng sớm nay, người dân cũng đã xếp hàng dài và bảo nhau giữ gìn trật tự, chờ vào viếng Tổng Bí thư.

W-6h thon lai da.jpg
Ảnh: Hoàng Hiệp
W-đông hội.jpg
Người dân xếp hàng vào viếng tại quê nhà Tổng Bí thư. Ảnh: Hoàng Hiệp
W-đông hội.jpg
W-đông hội 2.jpg
Trong dòng người xếp hàng chờ viếng tại quê nhà, đã có những người không cầm được nước mắt, tiếc thương Tổng Bí thư. Ảnh: Tùng Đoàn
W-việt anh.jpg
Bà Đào Thị Việt Anh (52 tuổi, đang công tác tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức) cho hay, TPHCM cũng tổ chức viếng Tổng Bí thư, nhưng đọc tin thấy tại Hà Nội cho người dân vào viếng nên đã đặt vé máy bay. 22h chị bay, 24h ra Nội Bài, chị tới nhà người quen ngủ nhờ. 5h sáng có mặt ở đầu đường Lê Thánh Tông với mong muốn được vào thắp hương viếng Tổng Bí thư.

Tại TPHCM, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1).

Từ 4h sáng, chị Hà Thị Hòa (quận Thủ Đức) đã tới cổng Dinh Độc Lập. “Từ ngày nhận được tin bác Nguyễn Phú Trọng qua đời, không đêm nào tôi ngủ được. Tôi chỉ được gặp bác qua truyền hình nhưng quý trọng bác bởi sự giản dị, chân thành, tận tâm, tận hiến cho đất nước, cho nhân dân…”, chị Hòa nghẹn giọng.

Chị Hòa cũng bộc bạch, dù biết khung giờ dành cho người dân vào viếng bắt đầu từ 13h nhưng vẫn muốn đến sớm để được viếng sớm hơn. Và giữa dòng người chờ được vào viếng, thi thoảng chị Hòa lại đưa tay gạt những giọt nước mắt cứ lăn dài.

W-hoa tphcm.jpg
Chị Hà Thị Hoà (quận Thủ Đức) và người thân tới Hội trường Thống Nhất từ 4h sáng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyễn Huế

Cùng có mặt tại Dinh Độc Lập để tham dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Lê Thị Kim Cương (63 tuổi, ở TPHCM) bày tỏ niềm tiếc thương: "Tôi biết tin bác Trọng mất khi chúng tôi đang ở cùng đoàn tầm hơn 60 người, khi đó ai cũng nghẹn ngào, không thể tin được sự thật".

W-dinh độc lập.jpg
 Bà Kim Cương bày tỏ: "Cả đời bác Trọng vì nước, vì dân. Vì thế, tôi muốn dành thời gian để đến đây tiễn biệt bác lần cuối".  Ảnh: Nguyễn Huế
W-doàn dinh 1.jpg
Dòng người xếp hàng chờ vào Dinh Độc Lập viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyễn Huế
W-đoàn dinh 2.jpg
Các đoàn xếp hàng tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM chờ vào kính viếng. Ảnh: Nguyễn Huế