Trả lời vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, hồi tháng 1/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện các nội dung còn tồn tại.

Cụ thể, liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng khu đất theo quy định pháp luật về đất đai theo đúng chỉ đạo của Thành phố tại Kế hoạch số 235 ngày 21/10/2021.

Ô đất C2 bỏ hoang gần 20 năm qua cử tri Hà Nội đề nghị kiểm tra, rà soát

Khẩn trương khắc phục các tồn tại về thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; vi phạm về trật tự xây dựng tại các dự án được giao thực hiện theo nội dung Thông báo số 1193 ngày 23/11/2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, rà soát hồ sơ pháp lý về đất đai của dự án khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính để xác định quyền sử dụng khu đất đề xuất thực hiện dự án, làm cơ sở để lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020; điểm c, khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định số 31 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Mẫu văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo Thông tư số 03 ngày 09/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, báo cáo đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết theo quy định.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế TP Hà Nội… cung cấp thông tin trên để đề xuất giải quyết các tồn tại theo quy định.

Trước đó, nêu tại Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, dự án tại ô đất C2 KĐT Trung Hoà – Nhân Chính, chủ đầu tư Handico6 lập dự án chậm đến 16 năm. 

UBND TP Hà Nội yêu cầu Handico6 lập dự án đầu tư trình thẩm định phê duyệt trong quý II/2004 nhưng đến tháng 8/2020 Handico6 mới có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư TP xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Dự án Diamond Flower Tower của Handico6 từ thương mại dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại dịch vụ công cộng nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà ở; tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21,30,36 rồi thành 39 tầng

Năm 2014, Handico6 đã có văn bản xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng tăng các chỉ tiêu quy hoạch, thêm chức năng văn phòng làm việc và nhà ở.

Việc xin điều chỉnh này, Thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá “là không thực hiện đầy đủ việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, không triển khai thực hiện dự án dẫn đến thiếu công trình công cộng phục vụ dân cư”.

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội. KĐT có 2 khu, khu 34ha do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - thời điểm đó là doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư và khu 12,8ha do Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sự gia tăng các tòa chung cư cao tầng thi nhau "mọc" lên đã khiến khu đô thị này trở nên chật chội, bí bách. 

Trong khi khu đất dịch vụ triển khai ì ạch, “đắp chiếu” thì nhiều ô đất được quy hoạch bãi đỗ xe, dịch vụ công cộng phục vụ cư dân liên tục được điều chỉnh nhiều lần theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng thành cao ốc, chung cư cao tầng để bán và cho thuê.

Theo kết luận 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, tại dự án Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (tên thương mại là Diamond Flower Tower) do Handico6 làm chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh quy hoạch, Sở QHKT 3 lần điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc quy quy định, đã điều chỉnh chỉ tiêu: Hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần thành 4,3 lần, thành 1,92 lần, thành 6 lần rồi thành 13,4 lần. Mật độ xây dựng từ 31% thành 39,2%, thành 31%, thành 40% rồi thành 40,5%. Tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21,30,36 rồi thành 39 tầng. 

Chức năng từ thương mại dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại dịch vụ công cộng nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà ở dân số tăng thêm 912 người (tạm tính 228 căn x người/căn).

Hay ở dự án khu nhà ở dịch vụ thương mại tại ô đất C3 (tên thương mại Golden Palace) do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Cường làm chủ đầu tư, Sở QHKT đã 2 lần điều chỉnh sai quy định, đã điều chỉnh chức năng từ hành chính, văn hóa, y tế thành gara cao tầng, thành nhà để xe kết hợp văn phòng, rồi thành hỗn hợp. Số căn hộ từ 0 lên 112 căn hộ, mật độ xây dựng từ 42,6% thành 46,7%, thành 39,9%, rồi thành 80%. Số tầng cao từ 6 tầng thành 12 tầng, thành 17 tầng + tum thang kỹ thuật. Dân số tăng thêm tạm tính là 448 người.