Liên quan tới chỉ đạo yêu cầu rà soát, xử lý nghiêm hiện tượng mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội bất hợp pháp để trục lợi xảy ra tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Bình Định, chiều 1/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phan Cao Thắng cho biết đã giao cho các cơ quan chức năng liên quan xử lý.
Cụ thể, ông Thắng cho hay, các sở ngành liên quan sẽ tiến hành thẩm định, xác minh làm rõ mới có thể công bố được.
Về hình thức xử lý đối với những trường hợp làm sai, đặc biệt có liên quan tới những người là cán bộ, công chức, ông Thắng cho biết đã giao cho Sở Xây dựng tỉnh Bình Định xử lý.
Tuy nhiên, khi trao đổi với ông Trần Viết Bảo - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định lại cho rằng chưa có chủ trương, chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.
Chung cư Long Thịnh (TP Quy Nhơn). Ảnh: mohinhkientruc.vn |
Ông Bảo phân trần, những sai phạm xảy ra đã được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý từ nhiều tháng qua, Sở cũng đang từng bước thực hiện. Trong quá trình xử lý, cũng có nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan tới chứng minh thu nhập, chứng minh nhà ở... của người mua.
Ông Bảo thừa nhận, tại các dự án nhà ở xã hội tỉ lệ cán bộ, công chức của địa phương được mua rất nhiều.
"Tại Chung cư Long Thịnh (TP Quy Nhơn) có 480 hộ ở đây thì có gần 50% số hộ có ô tô, và số này phần lớn là cán bộ công chức của tỉnh", ông Bảo thông tin.
Đặt vấn đề về kẽ hở trong quy trình xét duyệt hay có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng mới để lọt những người "giàu" được mua nhà ở xã hội, ông Bảo cho rằng rất khó xác định do điều kiện, hoàn cảnh ở thời điểm đó khác so với hiện tại.
"Nhiều người khi mua nhà họ còn ở chung với bố mẹ, còn thu nhập của họ không ngoài bảng lương, nên khi mua nhà xong họ lại bán đi và ở với cha mẹ thì cũng không thể bắt bẻ họ được vì họ không sai về điều kiện xét duyệt", ông Bảo nói.
Hơn nữa, theo ông Bảo, ở thời điểm xây dựng dự án nhà ở xã hội, đất Bình Định chưa cao, người dân chưa có nhu cầu mua nên rất khó bán.
Trong khi công chức ở Bình Định rất nghèo, thu nhập thấp, một số không nhỏ vẫn sống cùng gia đình, không có nhà riêng vì thế khi xét duyệt tiêu chuẩn họ vẫn đủ điều kiện.
"Về quy trình việc xét duyệt hồ sơ hoàn toàn không có vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ người dân mua xong không ở mà lại cho thuê, bán lại. Lỗi chính là ở chỗ đó", ông Bảo nói rõ.
Theo ông Bảo, chính vì người dân làm sai nên tỉnh đã có chỉ đạo rà soát lại các tiêu chuẩn, hợp đồng mua bán nhà ở xã hội trước đó với những trường hợp không có nhu cầu ở thực sự sẽ bị thu hồi và bán lại cho người dân có nhu cầu ở thực sự.
Tuy nhiên, về hình thức xử lý với những cán bộ, công chức làm sai thì ông Bảo cho biết chưa có chế tài, bây giờ chỉ đang tập trung xử lý những trường hợp mua không ở để giải quyết nhu cầu ở cho người dân.
Về phía chính quyền địa phương, ông Bảo cũng cho rằng đã làm đúng theo quy trình, tiêu chí xét duyệt của pháp luật.
Trước đó, tổ công tác liên ngành của UBND tỉnh Bình Định kiểm tra dự án nhà ở xã hội Phú Mỹ - Quy Nhơn có 205/237 căn chính chủ, 10 căn cho thuê, 18 căn cho mượn và 4 căn chưa tiếp cận. Tại dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp - Cao ốc Long Thịnh có 243/479 căn chính chủ, 68 căn chuyển nhượng, 75 căn cho thuê, 21 căn cho mượn và 72 căn chưa tiếp cận.
Tại Chung cư Long Thịnh (TP Quy Nhơn) là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được xây dựng dành cho công nhân lao động, người thu nhập thấp tại tỉnh Bình Định. Thế nhưng, có 480 hộ ở đây thì có gần 50% số hộ có ô tô.
Trong bối cảnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo chính quyền TP Quy Nhơn cùng cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, lập lại an ninh trật tự tại chung cư Long Thịnh.
Tiếp đến, UBND tỉnh Bình Định đã ký ban hành văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại các dự án chung cư.
(Theo Báo Đất Việt)