Xưa nay khi bàn luận về chuyện dạy thêm - học thêm ở Việt Nam, luôn tồn tại một luồng ý kiến ủng hộ duy trì việc dạy thêm học thêm. Có ý kiến cho rằng học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh. Có cầu ắt có cung nên việc dạy thêm của giáo viên là hợp lý. Cũng có ý kiến chỉ ra ở các nước phát triển, nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, học sinh còn đi học thêm tối ngày thì chuyện học thêm ở nước ta là đương nhiên.

Thậm chí, còn có ý kiến táo bạo "lương giáo viên quá thấp, nếu chỉ dựa vào đồng lương thì không thể nào sống được. “Có thực mới vực được đạo”, nếu giáo viên không có cơm ăn áo mặc thì nói gì đến chuyện dạy dỗ?".

Nghe qua, tất cả các lý luận trên đều rất hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên nếu tìm hiểu kĩ và bình tĩnh suy xét ta sẽ thấy đó chỉ là sự biện minh cho một cơ chế bất hợp lý, một hiện tượng đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.

Các cơ quan quản lý giáo dục cũng hay đưa ra để biện minh cho sự tồn tại dạy thêm và học thêm ở nước ta. Đó là lý luận cho rằng “ở các nước tiên tiến học sinh cũng học thêm tối ngày, giáo viên cũng dạy thêm cho nên chuyện dạy thêm, học thêm ở Việt Nam là đương nhiên”.

Sự giống và khác nhau giữa dạy thêm ở Nhật Bản và Việt Nam

Phải nói luôn rằng, lý luận trên không hoàn toàn sai. Nó đúng khi nêu ra một thực tế là học sinh ở các nước tiên tiến cũng đang học thêm (học ngoài chương trình, học ngoài trường) rất nhiều. Khi còn sống ở Nhật và đi làm về tôi vẫn thường xuyên nhìn thấy những học sinh mặc đồng phục của Nhật bắt chuyến tàu muộn về nhà sau khi kết thúc giờ học thêm ở các trung tâm (juku). Ta hãy thử nhìn vào số liệu thống kê ở Nhật Bản xem tình hình học thêm của học sinh ở đây như thế nào.
Theo kết quả điều tra của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công bố tháng 8 năm 2013 thì tỉ lệ học sinh lớp 9 Nhật Bản đi học thêm ở trung tâm (juku) là 61.4%, ở tiểu học là 45. 8%.

Học sinh Nhật Bản học thêm ở đâu?

Nếu như ở Việt Nam, việc học thêm - dạy thêm diễn ra rất đa dạng như ở nhà học sinh, nhà riêng của giáo viên, ở chính trường phổ thông học sinh đang học hoặc ở các trung tâm bồi dưỡng kiến thức thì ở Nhật Bản, địa điểm học thêm thường diễn ra ở các trung tâm - ngôi trường chuyên dùng cho việc này.

Thông thường, học sinh Nhật Bản sẽ đến học ở các Juku. Ở các Juku này giáo viên sẽ dạy, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, luyện thi 5 môn chính là: Quốc ngữ, Toán, Khoa học (Vật Lý, Hóa học), Tiếng Anh, Xã hội. Việc tổ chức dạy học sinh ở đây cũng được tiến hành dưới nhiều hình thức đa dạng như dạy theo lớp phân chia theo trình độ - khả năng học tập, dạy theo kiểu một thầy - một trò, dạy chung theo khối lớp, dạy theo nhóm, thậm chí có Juku còn tổ chức cho học sinh tự học tại đây.

Đối với các học sinh ôn thi vào đại học hay thi trượt đại học muốn ôn thi tiếp thì có thể vào học tại các trường dự bị (yobiko). Các Juku và trường dự bị (yobiko) thường thuộc sở hữu của các công ty và nằm dưới sự quản lý của Bộ kinh tế, công nghiệp và thương mại Nhật Bản (thay vì Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ).

Điều này sẽ gợi cho ta rất nhiều suy nghĩ thú vị khi gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam gửi công văn đề nghị công nhận dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

{keywords}
Dạy thêm-học thêm đang được Bộ GD-ĐT đề nghị là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: LAD

Giáo viên nào có thể dạy thêm?

Ở Việt Nam bất kể giáo viên nào cũng có thể dạy thêm. Một giáo viên trong biên chế trường công lập có thể dạy thêm trong chính trường mình dạy, dạy thêm ở nhà riêng, dạy ở nhà học sinh và dạy thêm cho nhiều trung tâm bồi dưỡng kiến thức khác. Nhiều người trong số đó thậm chí còn là người quản lý (hiệu phó, hiệu trưởng).

Vấn đề đặt ra đối với giáo viên chỉ là sức khỏe và phân bổ thời gian hợp lý để khỏi chồng chéo. Trong một thời gian dài cho tới nay, việc học thêm dạy thêm đều diễn ra như vậy cho dù cơ quan quản lý đã có nhiều động thái tỏ ra muốn siết chặt việc dạy thêm - học thêm nhưng về cơ bản không có văn bản nào cấm một giáo viên trong biên chế hay có hợp đồng dài hạn tại trường công dạy thêm trong và ngoài trường.

Tuy nhiên, ở Nhật mọi sự không dễ dàng như vậy. Đối với giáo viên có hợp đồng dài hạn, làm việc thường xuyên (toàn thời gian) ở trường công lập, họ sẽ không được phép dạy thêm. Đây là quy định đối với giáo viên trường công (cũng là viên chức) theo Luật viên chức địa phương. Tùy từng địa phương (ở Nhật tự trị địa phương được công nhận) sẽ có quy định chi tiết về việc này.

Những giáo viên dạy ở trường công lập nhưng chỉ dạy bán thời gian, nhận lương theo số giờ dạy thì luật không cấm họ dạy thêm. Đơn giản vì thu nhập từ việc dạy đó không đủ để giáo viên duy trì cuộc sống. Họ sẽ phải dạy thêm ở nhiều nơi khác vì sinh kế.

Đối với giáo viên làm việc toàn thời gian ở các trường tư thục thì do họ không phải là viên chức nên không bị Luật viên chức địa phương chế định. Tuy nhiên, nhiều trường tư có quy định yêu cầu giáo viên không được dạy thêm khi đã làm việc toàn thời gian ở trường. Các giáo viên làm bán thời gian ở trường tư đương nhiên có quyền dạy thêm.

Như vậy, ta thấy nhìn bề ngoài dạy thêm học thêm ở Nhật Bản cũng tồn tại lâu dài dựa trên nhu cầu xã hội giống như ở Việt Nam với tỉ lệ học sinh đi học thêm tương đối cao. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bên trong nó có rất nhiều điểm khác biệt mà điểm khác biệt nhất là sự tách bạch dạy thêm - học thêm khỏi trường phổ thông.

Những giáo viên làm việc thường xuyên (toàn thời gian, nhận lương tháng) ở trường công sẽ không được phép dạy thêm. Những giáo viên toàn thời gian ở trường tư sẽ bị hạn chế (có trường sẽ cấm) dạy thêm. Việc dạy thêm sẽ diễn ra ở ngoài trường với hệ thống trung tâm độc lập có giáo viên độc lập. Cách làm đó sẽ tránh được nhiều hệ lụy mà dạy thêm - học thêm mang đến như sự vi phạm đạo đức nghề giáo, việc đối xử bất công với học sinh khi không đi học thêm cũng như tránh được nguy cơ biến trường học thành trung tâm luyện thi như ta đã và đang thấy ở Việt Nam.

Độc giả Nguyễn Quốc Vương

Bộ GD-ĐT vừa có công văn kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ý kiến của bạn về vấn đề này, xin gửi tới: banbandoc@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn.

Cách người Đức dạy học sinh trưởng thành sau thất vọng

Cách người Đức dạy học sinh trưởng thành sau thất vọng

Nếu thất vọng xảy ra thường xuyên và không được giải tỏa, nó sẽ dẫn đến những hậu quả không hay cho tâm lý. Chính vì thế nhà trường Đức dạy các em rất kỹ, làm thế nào để vượt qua thất vọng, hoặc ít nhất giảm thiểu nó.