Nếu như xe bị ngâm nước do mưa ngập, triều cường dâng cao,... đã không còn lạ lẫm với nhiều người sở hữu ô tô thì việc "xế cưng" bị vùi lấp bởi bùn đất bởi lũ quét, sạt lở lại khá lạ lẫm đối với những tài xế ở thành phố.

Nhiều người đặt câu hỏi, việc ô tô bị ngập trong bùn đất có nguy hại thế nào với ô tô? Nếu so với việc xe bị ngập nước thông thường thì ngập trong bùn đất có dẫn tới những hỏng hóc nặng hơn hay không?

Nhiều ô tô bị ngập sâu trong bùn đất tại QL6, đoạn dốc Cun (Hoà Bình) vào chiều tối ngày 24/8.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Kiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thông thường bùn và đất đá trôi theo dòng nước nên khi xe ngập trong bùn đất sẽ có mức độ thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận hơn so với ngập nước thông thường.

"Dù xe ngập bùn đất sẽ rất khó di chuyển và ít khả năng bị thủy kích như xe ngập nước. Tuy nhiên, tùy vào mức độ ngập mà chủ xe sẽ phải tốn nhiều công sức, tiền của để có thể di dời xe ra một vị trí khác hoặc đưa đi cứu hộ. Còn với trường hợp bị ngập nước thông thường, chỉ đợi nước rút là xong", vị chuyên gia này nói.

doc Cun Hoà Bình .jpeg
Ô tô khi bị ngập trong bùn đất có nguy cơ hỏng hóc từ ngoài vào trong. Ảnh: Anh Nguyễn

Anh Kiên cho rằng, đất đá, bùn nhão, cành cây gãy kết hợp với nước có thể khiến chiếc xe bị móp méo nghiêm trọng ở thân vỏ, đèn, gương kính,... Tiếp đến là gây hư hỏng hệ thống điện, các bộ phận phức tạp khác như hệ thống khung gầm, giảm xóc, hệ thống lái, ro-tuyn, điều hòa và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nội thất xe.

"Với các bộ phận trong khoang nội thất, việc khắc phục do đất bùn vào bên trong cũng vất vả và mất nhiều công sức hơn so với chỉ bị nước vào xe. Gara của tôi từng tiếp nhận những chiếc xe bị ngập bùn đất dù không hư hại nhiều đến động cơ nhưng chi phí xử lý gầm bệ, sơn lại quanh xe và vệ sinh nội thất cũng hết đến hơn 40 triệu đồng", kỹ sư Kiên chia sẻ.

o to ngap bun dat 44.jpeg
Công tác "giải cứu" hàng chục chiếc ô tô bị ngập trong bùn đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào chiều 4/8/2023. Ảnh: Q. Phong

Để hạn chế "tiền mất tật mang", anh Kiên đưa ra lời khuyên cho các chủ xe là "phòng bệnh hơn chữa bệnh", cụ thể:

Khi trời mưa lớn, tài xế không nên di chuyển hay dừng đỗ xe ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét. Đồng thời, không cố băng qua những đoạn đường có dòng nước lũ nhiều bùn đất bởi dòng chảy này "đặc" hơn nước thông thường và nguy cơ xe bị mắc kẹt là rất cao.

Khi đang di chuyển dưới trời mưa ở những cung đường có nguy cơ sạt lở, hãy đi chậm, tắt nhạc, hé cửa sổ và cố gắng quan sát ở phía ta-luy dương xem có bất cứ sự xô lệch của cây cối hay tiếng động nào bất thường hay không. Nếu có, tuyệt đối không đi qua.

Trường hợp đã ở trong vùng nước lũ, hãy chọn một nơi cao ráo và dừng đỗ xe xuôi theo chiều nước chảy để giảm thiểu tối đa rủi ro nếu có; không nên xoay ngang bởi lúc này lực cản lớn, rất dễ lật xe. Nếu xe bị chết máy khi băng qua lũ, tuyệt đối không cố khởi động xe bởi sẽ gây ra nguy cơ bị thủy kích, chi phí khắc phục rất lớn.

W-ong xa gam o to.jpg
Các chi tiết gầm xe như hệ thống treo, rô-tuyn, hệ thống lái, hệ thống phanh cũng cần vệ sinh và chăm sóc đặc biệt sau khi xe bị ngập trong bùn đất. Ảnh: Hoàng Hiệp

Cuối cùng, sau khi nước rút, cần nhanh chóng dùng cuốc, xẻng để khơi thông dòng chảy, giúp xe không bị ngập sâu trong bùn đất, mục đích là giảm tối đa thiệt hại trực tiếp đến "xế cưng".

Sau đó, đánh giá mức độ thiệt hại và đưa xe đến gara uy tín để kiểm tra, vệ sinh càng sớm càng tốt. Ngoài phần nội ngoại thất và các hệ thống điện, những bộ phận cơ khí ở gầm xe như hệ thống treo, rô-tuyn, hệ thống lái và đặc biệt là hệ thống phanh cũng cần chú ý đặc biệt.

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!