Thất thu thuế lớn

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, tổng số ô tô điện toàn cầu sẽ tăng từ khoảng 40 triệu chiếc năm 2023, lên 240- 250 triệu chiếc vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 30%.

Vào năm 2030, ô tô điện sẽ chiếm hơn 10% số lượng phương tiện giao thông đường bộ. Tổng doanh số bán ô tô điện sẽ đạt hơn 20 triệu chiếc vào năm 2025 và hơn 40 triệu chiếc vào năm 2030.

ccc

Số lượng xe điện tăng, sẽ làm giảm việc sử dụng xăng, dầu. (Ảnh minh họa)

Số lượng xe điện tăng, sẽ làm giảm việc sử dụng xăng, dầu, hiện chiếm hơn 90% tổng nhu cầu trong lĩnh vực giao thông vận tải. Dự kiến vào năm 2030 ô tô điện sẽ giúp làm giảm tiêu thụ từ 5-6 triệu thùng dầu diesel và xăng mỗi ngày.

Tuy nhiên, ngân sách các quốc gia sẽ thất thu khoản thuế lớn từ xăng, dầu. Vào năm 2022, quá trình chuyển đổi sang xe điện đã làm thất thu khoảng 11 tỷ USD doanh thu thuế xăng dầu trên toàn cầu. Trong khi đó, nguồn thu thuế từ việc sử dụng xe điện chỉ vào khoảng 2 tỷ USD, đồng nghĩa với khoản lỗ ròng khoảng 9 tỷ USD. Khi số lượng xe điện tăng lên, doanh thu từ thuế nhiên liệu toàn cầu dự kiến sẽ giảm. Đến năm 2030, tổng số thu sẽ giảm khoảng 60- 70 tỷ USD.

IEA khuyến cáo, các Chính phủ cần dự đoán doanh thu từ thuế nhiên liệu sẽ giảm, để phát triển các chiến lược thuế mới, duy trì nguồn thu mà không ngăn cản việc phổ biến xe điện.

Gợi ý cho Việt Nam

Tại Việt Nam, vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và metan ngành giao thông”.  Theo đó, từ năm 2025 các xe bus được thay thế, đầu tư mới, sẽ chỉ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2030, có khoảng 50% xe bus và tất cả xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh. Đến năm 2040, hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông, sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Các doanh nghiệp cho biết, với lộ trình này, từ năm 2025 việc phát triển ô tô sử dụng xăng, dầu tại Việt Nam sẽ giảm dần và chuyển hướng sang xe điện. Dự báo, từ năm 2025 trở đi ô tô điện sẽ là phương tiện giao thông có sự tăng trưởng nhanh và ngày càng phổ biến.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, tổng số ô tô điện được sở hữu tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu chiếc vào năm 2030 và tăng lên 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.

xxx

Dự báo, từ năm 2025 trở đi ô tô điện sẽ là phương tiện giao thông có sự tăng trưởng nhanh và ngày càng phổ biến. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, tiền thuế, phí đang chiếm khoảng 40% trên mỗi lít xăng và 26% trên mỗi lít dầu diesel bán ra. Khi số lượng ô tô điện tăng lên, nhu cầu về xăng dầu sẽ giảm, dẫn đến ngân sách sẽ thất thu, con số lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó thu từ ô tô điện lại thấp.

Cùng với đó, ô tô điện từ 9 chỗ ngồi trở xuống đang được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt 3%, kéo dài đến hết 28/02/2027, sau đó tăng lên 11%. Lệ phí trước bạ hiện nay là 0%, kéo dài hết năm 2025, sau đó tăng lên bằng 50% xe động cơ đốt trong có cùng số chỗ ngồi. Trong khi đó, xe chạy xăng, dầu từ 9 chỗ ngồi trở xuống hiện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 35-150%; lệ phí trước bạ từ 10-12%. Khi người tiêu dùng chuyển sang sử dụng ô tô điện nhiều sẽ dẫn đến nguồn thu thuế phí giảm mạnh, con số cũng lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, Chính phủ cần cải cách hệ thống thuế, phí ô tô theo hướng, áp mức cao với những xe có phát thải carbon lớn và giảm dần với các xe có phát thải carbon thấp… Giải pháp này đã được nhiều nước thực hiện.

Để phát triển công nghiệp xe điện, cần có những ưu đãi đủ lớn mới thu hút được đầu tư. Vì vậy không thể tăng thuế, phí xe điện lên cao. Chỉ nên tăng khi thị trường xe điện đã phát triển, lý tưởng nhất là khi xe điện có doanh số vượt xe chạy xăng, dầu.

Các chuyên gia của IEA cho rằng, tuy thất thu thuế từ xăng, dầu nhưng bù lại xe điện phổ biến, sẽ giảm ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính, làm giảm thiệt hại về sức khỏe và môi trường, cũng như các chi phí xã hội liên quan. Vào năm 2022, chỉ với gần 30 triệu ô tô điện lưu hành, đã giúp giảm ròng khoảng 80 triệu tấn khí thải nhà kính. Số lượng xe điện tăng lên, sẽ góp phần giảm hơn nữa lượng phát thải khí. Nhất là khi ngành điện khử được carbon, tức là giảm sử dụng nguồn điện ô nhiễm, tăng điện sạch.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp