Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô (Điều 78).

Theo dự thảo Luật, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là hoạt động sử dụng xe ô tô để đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác. Hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô có thể do cơ sở giáo dục đào tạo tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện.

Trường hợp cơ sở giáo dục, đào tạo tự tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải đáp ứng quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, ô tô đưa đón học sinh phải đảm bảo nhiều quy định:

Đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.

Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.

Dự thảo Luật cũng quy định lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách.

Trước khi tổ chức thực hiện, cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc UBND cấp tỉnh gồm: Hành trình đưa đón, các điểm dừng đón, trả học sinh; danh sách phương tiện, danh sách lái xe kèm theo; hình ảnh của phương tiện và màu sơn đặc trưng (nếu có).

Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin tại khoản này, cơ sở giáo dục thực hiện thông báo bổ sung.

Một xe đưa đón học sinh tại trường Tiểu học Trảng Dài, TP. Biên Hòa, Đồng Nai (Ảnh: Xuân An) 

Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng xe ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh.

Cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.

Xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.

Hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô đã khá phổ biến tại các thành phố lớn ở nước ta. Tuy nhiên, các quy định về hoạt động này mới chỉ dừng ở các Thông tư hướng dẫn. Trong dự án Luật Đường bộ lần này đã quy định cụ thể về hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô, giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ trẻ em – đối tượng yếu thế tham gia giao thông.

Thực tế, đã xảy ra một số vụ học sinh bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón, trong đó có trường hợp trẻ không được phát hiện kịp thời.