Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để hoàn thiện dự thảo "Nghị định quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới".
Theo pháp luật hiện hành, niên hạn ô tô đang được quy định chung chung. Cụ thể, ô tô chở hàng có niên hạn không quá 25 năm, tô tô chở người không quá 20 năm, ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành ô tô chở người trước ngày 1/1/2002 có niên hạn không quá 17 năm.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) bổ sung quy định niên hạn của xe chở người 4 bánh có gắn động cơ và quy định cụ thể cách tính niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Để đảm bảo tính đồng nhất, Chính phủ giao Bộ GTVT đưa ra quy định cụ thể về niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Theo đó, tại Điều 14, 15, 16 Chương IV của dự thảo Nghị định, ngoài những điểm giữ nguyên, Bộ GTVT đề xuất bổ sung một số điểm mới đối với niên hạn sử dụng xe cơ giới.
Niên hạn sử dụng của xe cơ giới được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe đến hết ngày 31/12 của năm hết niên hạn sử dụng. Một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng cho phép, niên hạn sử dụng được tính từ năm đăng ký ô tô lần đầu.
Bộ GTVT giữ nguyên niên hạn sử dụng đối với ô tô tải không quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm. Tuy nhiên có sự liệt kê, phân định chi tiết hơn về loại xe tải, ô tô chở người áp dụng niên hạn.
Cụ thể, niên hạn sử dụng không quá 25 năm đối với: Ô tô chở hàng (ô tô tải), ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng), xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ.
Niên hạn sử dụng không quá 20 năm đối với: Ô tô chở người có từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái), ô tô chở người chuyên dùng, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ; ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng quy định rõ các loại xe không áp dụng niên hạn sử dụng bao gồm: Xe mô tô, xe gắn máy, ô tô chở người có số người cho phép chở đến 8 người (không kể người lái xe), ô tô chuyên dùng, rơ - moóc, sơ mi rơ - moóc; xe cơ giới của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Đáng lưu ý, điểm mới khác là quy định cách tính niên hạn sử dụng đối với các trường hợp xe cải tạo.
Đại diện ban soạn thảo cho biết, trường hợp ô tô 9 chỗ trở lên, xe chuyên dùng, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ cải tạo thành xe chở hàng thì áp dụng quy định về niên hạn của xe sau cải tạo.
Trường hợp bị coi hết niên hạn sử dụng
Đặc biệt, dự thảo Nghị định quy định, ô tô không có ít nhất một trong những tài liệu, hồ sơ, cơ sở sau thì được coi là hết niên hạn sử dụng:
Số nhận dạng của xe (số VIN).
Số khung của xe, các tài liệu kỹ thuật: Catalogue, sổ tay thông số kỹ thuật, phần mềm nhận dạng hoặc các thông tin của nhà sản xuất. Thông tin trên nhãn mác của nhà sản xuất được gắn hoặc đóng trên ô tô.
Hồ sơ lưu trữ như: Giấy chứng nhận chất lượng; Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với ô tô sản xuất trong nước; biên bản kiểm tra hoặc nghiệm thu; giấy chứng nhận chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ cải tạo đối với ô tô cải tạo. Hồ sơ gốc do cơ quan công an quản lý và giấy chứng từ nhập khẩu.
Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng, việc quy định niên hạn với xe cơ giới nhằm loại bỏ những xe cũ nát, thay thế bởi những ô tô mới.
“Sử dụng xe cũ quá không chỉ ảnh hưởng đến an toàn, ảnh hưởng đến môi trường mà còn nhiều vấn đề khác. Do đó, quy định này là cần thiết nhằm loại bỏ các xe có chất lượng kém”, ông Tạo phân tích.
Tuy nhiên, ông Tạo cũng cho rằng nếu quy định cứng nhắc niên hạn ô tô theo số năm sản xuất cũng chưa hẳn đã chính xác. Bởi vì nếu tất cả áp theo niên hạn thì rất có thể sẽ loại bỏ một số ô tô còn tốt và ngược lại xe chưa đến niên hạn loại bỏ nhưng chất lượng đã “hết date”.
“Chất lượng mỗi xe phụ thuộc vào quá trình khai thác, chế độ bảo dưỡng sửa chữa của từng chủ phương tiện. Do đó, nên có giải pháp kiểm soát chất lượng phương tiện cũng như khí thải của xe bằng kỹ thuật - căn cứ vào chất lượng của từng xe để quyết định xe đó có đủ điều kiện tiếp tục lưu hành hay không.
Theo tôi, sau khi hết niên hạn 20, 25 năm, chúng ta nên kiểm tra, đánh giá xem xe nào vẫn đủ điều kiện thì nên cho phép lưu thông. Việc đánh giá xe đủ điều kiện, chất lượng để tiếp tục sử dụng sẽ do cơ quan chức năng thực hiện với máy móc đánh giá chính xác. Tuy nhiên, cũng phải có quy định cụ thể cho việc này để tránh tiêu cực phát sinh”, ông Tạo lưu ý.