Như VietNamNet đã đưa tin, vào lúc 7h20' sáng ngày 30/3, một chiếc xe tải đi trên quốc lộ 4D đến km117, đoạn qua thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đột ngột mất phanh trong quá trình đang đổ dốc khiến chiếc xe lao xuống vực. Theo thông tin ban đầu, chiếc xe bị vỡ nát, 4 người ngồi trên xe bị thương nặng và đã được đưa đi cấp cứu.
Video vụ tai nạn do camera hành trình của một xe khách đi ngược chiều ghi lại đã được chia sẻ trên các hội nhóm mạng xã hội. Dựa vào đoạn video trên, có thể thấy chiếc xe tải đang lao dốc với tốc độ cao, khi vào khúc cua gắt và tránh chiếc xe máy đi cùng chiều, xe tải đã mất lái, lật nghiêng và lao xuống vực sâu khoảng 100m.
Xem video
Bên cạnh những lời cầu chúc bình an dành cho những người ngồi trên xe tải gặp nạn, cũng có nhiều ý kiến nhận xét về tình huống may mắn thoát nạn trong gang tấc của người điều khiển xe máy.
Theo các tài xế lâu năm, việc ô tô bị mất phanh khi đang lái xe trên đường đèo núi, nhất là đoạn xuống dốc chủ yếu do sử dụng phanh quá nhiều, hoặc rà phanh kéo dài khiến hệ thống phanh bị quá nhiệt gây ra hiện tượng bị cháy phanh hoặc bó phanh. Trong trường hợp đột ngột mất phanh, người lái sẽ dễ hoảng hốt và khó xử lý chính xác được tình huống dẫn đến tai nạn.
Ngoài ra, nguyên nhân mất phanh cũng có thể còn đến từ việc xe không được bảo dưỡng chăm sóc hệ thống phanh thường xuyên, má phanh mòn, thiếu dầu trợ lực phanh...
Trên thực tế, việc ô tô đột ngột mất phanh khi đang đi trên đường đèo núi, đặc biệt là đoạn đường xuống dốc không phải là hiếm, bởi chỉ cách đây hơn 1 tháng, một chiếc xe khách 29 chỗ cũng đã gặp trường hợp tương tự khi đang chạy trên đường QL2B, đoạn qua xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).
Để giảm thiểu rủi ro mất phanh, các chuyên gia thường đưa ra một số khuyến cáo như sau:
- Sử dụng lực hãm động cơ để đi xuống dốc và lái xe theo nguyên tắc đi lên dốc số nào thì xuống dốc số đó. Cần đạp phanh thì phải dứt khoát để giảm tốc cho mục đích về số thấp.
- Nếu xe vừa đi một quãng đường dài, trước khi xuống dốc nên để dừng xe để các bộ phận trên xe có thời gian giảm nhiệt, đặc biệt điều này cần thiết cho hệ thống phanh
- Với trường hợp xe tải chở hàng nặng và cồng kềnh, cần buộc chặt các hàng hóa, đồ đạc, tránh bị xô lệch trong quá trình di chuyển, hạn chế trọng tâm bị dồn nhiều vào phần đầu xe gây thêm áp lực cho hệ thống phanh.
- Thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phanh ô tô để đảm bảo phanh hoạt động trơn tru, an toàn nhất. Thay má phanh định kỳ, trung bình là khoảng 30.000-40.000 km hoặc 2-3 năm sử dụng.
Trong trường hợp mất phanh, người lái xe cần bình tĩnh và xử lý để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của. Đầu tiên, hãy bật đèn cảnh báo và còi để gây sự chú ý với các phương tiện xung quanh và những người đang tham gia giao thông.
Tiếp đó là sử dụng phanh tay dù phanh tay có lực hãm không bằng phanh chân nhưng chí ít thì "có vẫn còn hơn không". Cuối cùng, tận dụng địa hình như đoạn có rải sỏi đá hoặc hộ lan, vách núi bên taluy dương để làm vật cản giúp giảm tốc độ. Nên nhớ vật chất có thể lấy lại nhưng mạng sống thì chỉ có một lần mà thôi.
Bạn đã từng gặp tình huống thót tim khi lái xe? Hãy chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!