Cuộc sống mấy mươi năm không có sự hiện diện của điện, sóng điện thoại và nước máy đang kéo những con người khốn khó cứ xa dần khỏi tầm với của lối sống văn minh.

Khó khăn chồng chất

Con đường độc đạo đưa chúng tôi đến với xã miền núi Kiên Lao (Bắc Giang) cứ dằng dặc dài và hun hút xa như chính khoảng cách văn minh của những người dân nơi đây với những ồn ào công nghệ phía ngoài kia.

Từ trung tâm xã Kiên Lao, đi thêm quãng đường 7km vô cùng gian khó nữa là tới thôn Khuôn Thần, nơi có khoảng 500 hộ dân, chủ yếu là người Nùng, sống càng tách biệt và cô lập hơn nữa giữa thế giới văn minh bên ngoài.

Khuôn Thần từ thủa sơ khai đến giờ vẫn chẳng có gì. Điện, điện thoại, nước máy... đều không có. Những người đã từng có dịp đặt chân đến vùng đất này đều bật lên tiếng xót xa: "Khuôn Thần như một ốc đảo biệt lập giữa đất liền".

{keywords}
Con đường độc đạo, khó khăn và xa hun hút này đã đưa bước chân chúng tôi tới Khuân Thần

Theo anh Triệu Văn Thương – Trưởng thôn Khuôn Thần, thì các hoạt động sản xuất kinh tế tại đây đều trì trệ, không thể phát triển được vì thiếu thốn.

“Ở đây cái gì cũng không có. Cái cần nhất là điện, nước càng không có. Tôi năm nay 27 tuổi cũng là 27 năm tôi sống với chiếc đèn dầu, chưa bao giờ thấy điện sáng trên quê hương cả”, anh Thương nói.

Do bị tách biệt nên người dân Khuôn Thần bị hạn chế trong việc nắm bắt thông tin xã hội. Phần lớn mọi tin tức đều chỉ đến từ dăm ba chiếc chiếc đài radio chạy pin của những hộ gia đình khá giả.

Thế nhưng, việc duy trì sợ dây liên lạc mong manh này cũng khó khăn bội phần bởi mỗi lần hết pin, họ phải đi bộ 7 km mới tới trung tâm xã để thay mới.

{keywords}
Chiếc radio nhỏ này là phương tiện duy nhất để các hộ dân ở ốc đảo 3 không nắm bắt thông tin bên ngoài

Do không có điện thoại hay sóng điện thoại nên với các công việc như họp thôn, thông báo tiêm phòng bệnh dịch trên đàn gia súc, từ nhiều đời nay, trưởng thôn đều phải mang loa, âm ly và bộ kích điện gắn vào xe đi thông báo khắp nơi.

Người dân ở đây còn không dám chăn nuôi bởi vì một điều nghe chừng rất là vô lý: Không đủ nước tắm cho lợn.

Chị Lấm, vợ trưởng thôn Thương, tâm sự:

“Không có điện nên việc bơm nước rửa chuồng cho vật nuôi là điều không thể, nước sinh hoạt còn không đủ dùng huống hồ đến nước tắm cho lợn. Dội một, hai gáo nước cho lợn thì nó lại bẩn thêm, không thể sạch được”.

Bên cạnh đó, việc thiếu điện khiến cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

"Người dân trồng lúa nhưng không có nước tưới, lúa bị khô hạn, bà con lại đứng trước nguy cơ mất mùa. Các loại cây vải, nhãn cũng cùng chung cảnh ngộ", chị Lấm cho biết thêm.

"Cóc không kêu nổi đến trời"

Chị Lấm cũng cho biết, nguồn thu chính của Khuôn Thần đến từ trồng vải. Thế nhưng cũng vì cái khó khăn của cơ sở hạ tầng mà nhiều phen điêu đứng bởi chẳng có ai chịu về Khuôn Thần dù chỉ là thu hoạch vải.

Chị Lấm nói: "Người ta sợ về Khuôn Thần như trẻ con sợ ma. Khi thuê người về thu hoạch vải thì người dân phải nói dối là không phải ở Khuôn Thần hoặc Khuôn Thần đã có điện, nếu không sẽ không thuê được người làm, vải sẽ bị hỏng, như thế sẽ thất thu.

Có nhiều trường hợp chủ nhà thuê người làm về rồi, khi đến nơi, họ thấy ở đây không có điện, quá vất vả nên nhất quyết không làm nữa mà bỏ về".

{keywords}
Các học sinh học trung học thì tự chèo thuyền qua hồ Khuôn Thần để đi học ở trung tâm xã.

Học sinh ở Khuôn Thần không thể đi tới trường học của xã vì đường xa, đi vất vả, nên các em phải học tại một cơ sở ngay trong địa bàn.

Với các cháu mầm non, địa phương đã tận dụng nhà công vụ của các giáo viên trong thôn làm nơi học tập, vui chơi hàng ngày cho các cháu.

{keywords}
Học sinh ở Khuôn Thần từ nhiều đời nay phải tìm con chữ dưới những ánh đèn dầu leo lét

Còn với những học sinh lớn hơn thì vẫn hàng ngày phải đánh cược mạng sống trên những con thuyền độc mộc cũ kĩ hòng kiếm được cái chữ. Thế nhưng, không phải ai cũng có may mắn ấy.

“Tỉ lệ người mù chữ ở Khuôn Thần lên đến 70%, dân trí thấp, là rào cản rất lớn cho việc phát triển kinh tế cũng như các hoạt động khác.

Giao thông trong thôn khó khăn do đường xá chưa được làm bằng phẳng, chủ yếu là dân đi nhiều thành lối. Đi xe ở Khuôn Thần, cứ khoảng 1 tuần lại phải tăng xích một lần, người đi nhiều, có vài tháng đã phải thay xích mới”, Trưởng thôn Thương bộc bạch.

{keywords}
Những vật dụng thô sơ thế này không hiếm ở Khuân Thần

Còn bà Trần Thị Kim Trường, Bí thư chi bộ thôn Khuôn Thần ngán ngẩm tâm sự với PV:

“Chẳng biết chính xác từ bao giờ Khuôn Thần không có điện. Chỉ biết một điều là từ khi sinh ra đến nay, hơn 50 năm tôi chưa bao giờ thấy Khuôn thần có điện lưới.

Bà con chỉ dùng đèn dầu để sinh hoạt. Còn những hộ gia đình khá giả, họ mua ắc quy, kích điện để dùng tạm với những chiếc bóng đèn tiết kiệm”.

Sự khốn khó này từ nhiều thế kỉ nay đang đẩy những con người thật thà mộc mạc đến tận cùng của sự khốn khó. Thế nhưng, đó chưa phải là những mảng tăm tối nhất ở Khuôn Thần, nếu chưa từng một lần sống với những người dân nơi đây...

(Theo Trí thức trẻ)