Nỗ lực nâng chất sản phẩm OCOP
Được định hướng là 1 trong 6 sản phẩm OCOP cấp quốc gia, thương hiệu Chè Hải Hà được chính quyền và các hộ sản xuất kinh doanh của huyện Hải Hà quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng bền vững.
Hiện nay, huyện Hải Hà có hàng trăm héc ta chè, dần thay thế chè trung du lá nhỏ bằng những giống chè có chất lượng cao như chè lai LDP1, chè Ô Long, Phúc Vân Tiên, Ngọc Thuý… Hai năm trở lại đây, huyện chuyển nhiều diện tích chè sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với việc đầu tư trồng chè, huyện hỗ trợ 6 doanh nghiệp trên địa bàn kinh phí đầu tư hệ thống dây chuyền sao, sấy chè hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Bình quân mỗi năm, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà sản xuất hơn 1.000 tấn chè khô. Mỗi ngày, các doanh nghiệp thu mua cho người dân từ 40-50 tấn chè tươi. Chè Hải Hà không chỉ được bán trong nước, mà còn được xuất khẩu sang các nước Trung Đông.
Một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Đầm Hà là gà bản. Đây là giống gà được chăn thả tự nhiên, thân hình tròn, cổ ngắn, chân thấp, thịt chắc, dai, ngon. Phát triển giống gà này, HTX Tuyền Hiền ở xã Quảng Tân đã thực hiện thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện nay HTX đang liên kết với hàng trăm hộ nông dân các xã phát triển chăn nuôi gà bản, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, đến bao tiêu sản phẩm. Trung bình sản lượng tiêu thụ của HTX đạt 100.000 con gà bản/năm.
Tại huyện Bình Liêu, miến dong được coi là sản phẩm chủ lực. Trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 4 HTX, 3 cơ sở sản xuất và 40 hộ sản xuất miến dong, sử dụng hoàn toàn nguyên liệu địa phương. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện định hướng rà soát và siết chặt quản lý vùng nguyên liệu; kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu từ gieo trồng đến chăm bón, thu hoạch tạo thành quy trình khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ được đầu tư bài bản, miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm uy tín, chất lượng, tiêu thụ rộng rãi trên cả nước, mang lại doanh thu trung bình khoảng 56 tỷ đồng/năm.
Tiếp sức đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Theo đại diện Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua để tăng hiệu quả, thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông sản OCOP của nông dân, các cấp Hội đã đề nghị UBND cùng cấp bổ sung ngân sách và vận động từ cán bộ, hội viên nông dân đóng góp bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời, chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ hội viên trong việc xây dựng logo, nhãn mác, bao bì sản phẩm OCOP.
Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn từ phía các ngành, địa phương, nhiều chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới, không ngừng cải tiến quy trình, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng. Trong đó chú trọng xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững cho các sản phẩm.
Được biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, các sở, ngành trong tỉnh Quảng Ninh cũng thường xuyên tổ chức chấm điểm, đánh giá, xếp hạng sản phẩm; mạnh tay loại bỏ những sản phẩm OCOP không đảm bảo tiêu chuẩn, kém chất lượng hoặc không có tiềm năng.
Để tiếp sức đưa sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khích lệ người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình.
Hiện Quảng Ninh có 29 trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại và đưa gần 20 sản phẩm vào chuỗi siêu thị, các bếp ăn công ty than, điện, trường học..., chuỗi các trung tâm mua sắm, cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn...
Theo đó, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã có mặt tại hệ thống BigC, Vinmart, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch như: Sói Biển, Bác Tôm, BigC Green… ; cũng như hiện diện thường xuyên tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An và một số tỉnh/thành phía Bắc: Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Ninh Bình… với đầu ra ổn định, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Quảng Ninh hiện có 500 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó trên 230 sản phẩm đạt từ 3-5 sao với doanh số bán hàng hàng năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Các sản phẩm OCOP ngày càng được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn được người tiêu dùng đón nhận; cộng đồng các doanh nghiệp, HTX tham gia OCOP ngày càng phát triển. Chương trình OCOP được đánh giá góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh.
N.Hân