Sơn La có 4/12 huyện nghèo với 216 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện tích rộng lớn, bị chia cắt bởi địa hình, dân cư phân bố thưa thớt... dẫn đến chi phí đầu tư cao cho lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục.
Do vậy, Sơn La đã xác định Chương trình MTQG xây dựng NTM là một chương trình trọng điểm, đột phá để đưa nông nghiệp, nông thôn, nông dân miền núi phát triển nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
OCOP ở Sơn La góp phần nâng cao chất lượng NTM |
Để giúp các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tỉnh Sơn La đã có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững.
Đến nay, tỉnh Sơn La đã chứng nhận 28 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 9 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và 19 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Năm 2020, tỉnh Sơn La đang phấn đấu hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cấp 1 sản phẩm 4 sao lên 5 sao; ít nhất 5 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; phát triển thêm 35 sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên. Đồng thời, tỉnh Sơn La triển khai thực hiện phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản của địa phương, hệ thống chấm điểm và bộ nhân diện OCOP cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, Chương trình OCOP đã giúp các địa phương lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực. Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP đều tiêu thụ tốt, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, với lợi thế về nông nghiệp, tỉnh Sơn La sẽ có những sản phẩm OCOP đặc trưng so với các tỉnh, thành khác.
Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, vì lợi ích của người dân, hướng đến xuất khẩu. Đây được xem một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh Sơn La trong những năm tiếp theo về thực hiện Chương trình OCOP.
Ngọc Trang
Ảnh: Duy Khánh