Rác thải nhựa, hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển và đại dương, là vấn đề toàn cầu mà các quốc gia đang phải đối mặt. Chất thải nhựa trong môi trường biển có nguồn gốc từ các hoạt động trên đất liền và trên biển. Các nguồn từ đất liền bao gồm: các dòng sông, khu dân cư và hoạt động kinh tế - xã hội ven biển, du lịch biển, các hoạt động cảng biển.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng polymer tổng hợp toàn cầu - chất liệu tạo thành nhựa khối - đã tăng gấp 230 lần kể từ những năm 1950. Giai đoạn 2000-2019, con số này tăng gấp đôi lên 460 triệu tấn, tập trung chủ yếu ở Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc. Các quốc gia như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất nhựa. Trong khi đó, Liên minh toàn cầu vì sự bền vững của nhựa, bao gồm các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, lại lập luận rằng cần tập trung nhiều hơn vào cách quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế.
Hiện mới chỉ 9% rác thải nhựa trên thế giới được tái chế, 19% được đốt có kiểm soát và gần 50% được đưa đến các bãi chôn lấp có kiểm soát. Khoảng 22% lượng rác thải nhựa có điểm đến cuối cùng là các bãi rác, bị đốt ngoài trời hoặc thải trực tiếp ra môi trường, gây nguy cơ lớn cho sức khỏe con người. Khoảng 22 triệu tấn nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có 6 triệu tấn trôi nổi dưới sông, hồ và biển.