Trong đời sống hàng ngày, cách nói quá, nói ẩn dụ, nói chệch, nói bóng vô cùng đa dạng. Trong ứng xử với con trẻ cũng vậy, nhưng một số câu nói của ông bà đã vô tình làm hư con trẻ.
-Thay vì nhắc cháu chào, ông bà lại hỏi: "sao mày trố mắt ra thế?" . Câu nói vô tình kèm "khẩu giọng lên cao" sẽ khiến con trẻ không hiểu mình phải làm gì tiếp theo, bởi thông điệp truyền đi một cách không rõ ràng.
- Thay vì nhắc cháu sạch sẽ lại nói: "cho mày chết vì bẩn!". Câu nói sẽ khiến nhiều trẻ cảm thấy mình bị hắt hủi chứ không hiểu mục đích ẩn dụ của câu nói. Ông bà có thể nhắc cháu bằng một câu khác sẽ khiến trẻ tiếp thu dễ hơn.
- Thay vì nhắc cháu cẩn thận, thì nói "Rồi có ngày lộn cổ cho mà xem". Câu nói không khiến trẻ sợ để mà biết đề phòng, cẩn thận. "Sự chỉ trích" này có thể còn gợi lên "sự thách thức", "tính cách muốn chinh phục" của đứa trẻ.
- Thay vì muốn cháu ăn nhanh thì nói "Có ăn không bà đổ luôn đi bây giờ". Đối với nhiều đứa trẻ, nó chỉ chờ ông bà nói thế để "khỏi phải ăn", vì chúng tin rằng mọi lời ông bà nói đều là sự thật.
- Thay vì muốn cảnh báo nguy hiểm với vật nuôi, thì lại nhắc "nào ra đấy rồi nó cắn cho chết". Câu nói có thể gây nên sự "thù hằn" động vật trong trẻ. Chúng nhìn vật nuôi không giống như những người bạn. Câu nói không thúc đẩy tình yêu động vật ở trẻ.
Ảnh minh họa |
Và còn nhiều câu nói khác nữa:
-Thay vì dạy cháu gọi khi tè thì miệng than trách "cứ lụt lội như thế này!".
-Thay vì muốn nhắc nhở cháu cho ngoan thì nói "mày giống y như mẹ mày!"
-Thay vì gọi cháu dậy thì hỏi "nào còn ngủ đến bao giờ đây?!"
-Thay vì muốn cháu không nghịch thì than thở "Trời ơi có yên cho tôi không?"
-Thay vì muốn cháu ngủ thì hỏi "Mắt cứ chong chong thế này à?!"
- Khi cháu hỏi ông "Tại sao đốt lửa vào quả pháo nó lại kêu". Ông trả lời: "Bây giờ ông đốt đít mày, mày có kêu không!"
- Cháu nghịch mâm, ông thường nói: "Rồi cả nhà mất ăn vì mày".
- Thay vì dạy cháu xin lỗi thường nói: "Đánh cho nó chừa đi".
- Thay vì dạy cháu đối đáp ứng xử lại nói: "Mồn miệng nó cứ câm như hến".
- Thay vì nhắc cháu đi lâu không về, thì nói: "Tưởng mày chết ở đâu rồi".
- Thay vì nhắc cháu ham chơi, thì nói "Cứ ôm cái đấy xem có no không?!"
- Thay vì nhắc học bài, thì nói: "Không học rồi sau có mà đi ăn mày!".
- Thay vì muốn cháu hiểu bài, nghe lời thì nói: "Đúng là nước đổ lá khoai. Nước đổ đầu vịt!"
- Thay vì nhắc cháu chọn bạn mà chơi, thì nói: "Quân đàn đúm, quân mất dạy, quân túm năm tụm ba"
Cách nói ước lệ, bắc cầu, ví von, đậm nét của ngữ pháp Việt không còn phù hợp cho tốc độ phát triển hội nhập và ảnh hưởng rất lớn đến giao tiếp của trẻ.
Tại các vùng ngoại ô và nông thôn, các gia đình sống Tam đại đồng đường rất phổ biến. Việc ông bà nhắc nhở con cháu là rất tốt, nhưng kiểu nhắc đậm chất "ẩn dụ" luôn ảnh hưởng rất lớn với trẻ em và gây bức xúc cho bố mẹ các bé trong quá trình dạy trẻ giao tiếp hội nhập với xã hội hiện đại. Vì thế, cần xem lại cách nói với con cháu để trẻ vừa dễ nghe, dễ hiểu và qua đó vừa tạo được cách nói và giao tiếp đẹp trong trẻ.
(Theo Gia đình và xã hội)