- Cùng với sự phát triển của xã hội, chuyện hôn nhân cũng muôn màu muôn vẻ và tận cùng của cái “muôn vẻ chua xót” ấy người ta thường thấy ở tòa xử các vụ ly hôn. Thẩm phán Nguyễn Tư Khoa, thẩm phán tòa dân sự, tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ những câu chuyện hôn nhân xót xa.

Tin bài cùng chuyên mục:

Phi vụ yêu chưa có tân hôn đã có ly hôn

Hạnh sinh năm 1985, quê gốc ở Sơn La, theo bố mẹ về Bắc Giang lập nghiệp. Qua những người mai mối và chát quen biết anh Nam sinh năm 1957 đang sống và làm việc ở Ba Lan.
Một phiên tòa xét xử ly hôn (Ảnh minh họa)
Tuổi tác chênh lệch gần 30 tuổi, thế nhưng họ vẫn gửi giấy tờ ủy quyền cho nhau để đăng kí kết hôn. Về mặt pháp luật họ đã là vợ chồng nhưng không có đám cưới, không ở với nhau 1 ngày nào.

Thế nhưng chỉ sau ngày đăng kí kết hôn vài tháng họ lại gửi đơn ra tòa xin ly hôn. Nam ở tận Ba Lan cũng gửi các giấy tờ để Hạnh làm thủ tục ở nhà … “Gặp Hạnh và tìm hiểu tôi thấy cô ấy một người phụ nữ trẻ, thảnh thơi, lại là con nhà một cán bộ viên chức. Ly hôn với người chồng xa nửa vòng trái đất nhưng tôi thấy chị ấy không có một vướng bận băn khoăn gì” thẩm phán kể lại.

Những người biết nguồn cơn sâu sa trong mỗi câu chuyện thì mới hiểu được rằng: Tờ hôn thú kia chỉ là “tờ giấy đi đường” cho quãng đường nối sang Ba Lan của Hạnh. Cô chỉ mượn tay pháp luật cho việc riêng tư, đến cùng khi không đạt được mục đích họ lại chia xa, giải tán.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp chưa đám cưới, chưa tân hôn hoặc chỉ sống với nhau chốc lát ngắn ngủi mà phải tìm đến con đường ly thân, ly hôn vì cách trở địa lý, vì tham vọng yêu và lấy tấm thẻ cư trú ở nước ngoài được xử tại tòa án ở tỉnh Bắc Giang, mà thẩm phán Nguyễn Tư Khoa chia sẻ.

Cụ ông đòi ly hôn vì không thèm “bóc bánh trả tiền”


Một phiên tòa xét xử ly hôn thường có rất ít người, vài người trong hội đồng xét xử, hai người xin ly hôn… Thế nhưng ở cái khung cảnh chia ly ấy thường gợi cho người ta rất nhiều suy nghĩ. “Một cặp vợ chồng lấy nhau được hơn 40 năm. Đời sống vợ chồng của họ được xây đắp bằng bao nhiêu kỉ niệm ngọt bùi… thế nhưng đến tuổi xế chiều họ lại đòi ly hôn và những vụ ly hôn như thế lại không ít”.
“Trớ trêu là đến tuổi lục tuần thì người đàn bà đã hết nhu cầu sinh lý, còn ông cụ thì nhu cầu sinh lý vẫn rất mạnh” (Ảnh minh họa)
Cụ ông Giang sinh năm 1941, cụ bà Thân sinh năm 1949, họ lấy nhau từ năm 1972, họ đều là công chức và có 3 con đã lớn. Trớ trêu là đến tuổi lục tuần thì người đàn bà đã hết nhu cầu sinh lý, còn ông cụ thì nhu cầu sinh lý vẫn rất mạnh. Năm 2007 ông cụ đã đưa đơn ra tòa xin ly hôn, tòa hòa giải nhưng cụ không phục trong lòng, cụ về tự xây một căn nhà riêng và sống ly thân với cụ bà.

Năm 2011 cụ lại tiếp tục nộp đơn ra tòa, ở tòa tỉnh cụ ông đã nói thẳng: "Tôi không thể làm việc đó với những cô mắt xanh mỏ đỏ, tôi không muốn bóc bánh trả tiền… Cho tôi ly hôn để về sống với những người có nhu cầu như tôi”. Những ai có mặt tại phiên tòa đều phì cười vì cụ ông thẳng tính. Vì cụ già đã nói thẳng nguyện vọng của mình thế nên ở cấp huyện đã bác đơn của ông cụ nhưng lên cấp tỉnh tòa đã đồng ý cho cụ ly hôn để cụ xây đắp hạnh phúc của riêng cụ.

Gần đây Tòa Bắc Giang cũng xử nhiều ly hôn khác tương tự, cụ ông làm chủ xưởng mộc, cụ bà ở nhà nội trợ. Đến khi tuổi cao, cụ bà đã hết nhu cầu còn cụ ông thì vẫn còn ham muốn. Cụ bà đồng ý để cụ ông tìm người phụ nữ khác nhưng các con của cụ thì không cho… Trong nhà có nhiều quan điểm khác nhau, giận con cụ ông kiên quyết đòi ly hôn.

Giằng co nhiều bên và nhiều lần cuối cùng tòa án vẫn phải chấp nhận cho họ ly hôn. Phần vì sự cương quyết của người già, thêm nữa đã hiểu nguyên nhân mâu thuẫn không thể khắc phục của các cụ.

Thẩn phán Nguyễn Tư Khoa chia sẻ: Quan điểm của tôi là đồng cảm với các cụ. Bởi có ép các cụ về với nhau cũng chỉ làm khổ các cụ, đồng ý để các cụ có hạnh phúc riêng cũng là một điều nhân văn.

Đã xét xử án ly hôn nhiều năm thẩm phán Nguyễn Tư Khoa chia sẻ: “Không chỉ nhớ những vụ ly hôn với các tình tiết đặc biệt, tôi còn thấy nhiều cái tranh giành sau hôn nhân về con cái, đất đai rất đau lòng. Họ hất đi tất cả những gì tốt đẹp của hôn nhân, đối xử với nhau tàn nhẫn, kiệt cùng”.

  • Minh Hải