Chia sẻ tại hội nghị Đô thị văn hóa-công nghiệp hội tụ (CICON HCMC 2023) với sự tham gia của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tập trung vào Việt Nam. 

Nói về hoạt động kinh doanh cá nhân, vị tỷ phú cho hay, IPPG vốn là một tập đoàn gia đình. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, lãnh đạo IPPG đã bắt đầu suy nghĩ tới việc mở cửa, trở thành công ty đại chúng. “Không phải chúng tôi bảo thủ và chỉ muốn ôm trọn cho mình. Chúng tôi mong chờ, đón nhận sự hợp tác, đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Tập đoàn từng có kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty Hàn Quốc”, ông nói.

Cùng với đó, IPPG đang có 45 đề án dự định triển khai trên toàn quốc. Trong đó, TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM sẽ là địa điểm mà doanh nghiệp tập trung đầu tư.

Sự kiện CICON HCMC 2023 diễn ra trong cả ngày 7/6 tại TP.HCM (Ảnh: BTC)

Chủ tịch IPPG cũng cho rằng, Việt Nam cần hướng tới loại hình du lịch kết hợp mua sắm, các cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại… để hút khách quốc tế tới mua sắm. Tại Hàn Quốc, doanh thu từ lĩnh vực này lên tới 16 tỷ USD, trong khi doanh thu tại Việt Nam hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện, kinh doanh hàng miễn thuế tại Việt Nam mới chỉ tập trung ở khu vực sân bay.

Để phục vụ tốt hoạt động mua sắm, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tính toán quy hoạch không gian ngầm bên trong các khu đô thị trung tâm. Dẫn chứng, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc không chỉ kinh doanh trên mặt đất. Nhiều quốc gia đã có các trung tâm kinh doanh ngầm, được kết nối với nhau bằng hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất.

Ngoài ra, ông nhận định, nếu các thương hiệu, tổ hợp chuyên về vui chơi, giải trí lớn như Disneyland, Universal Studios hay Lottle World được đưa về trong nước thì sẽ gom lượng khách rất lớn. Ví dụ, chỉ riêng khu vui chơi Disneyland đã đóng góp tốc độ tăng trưởng 1,5% GDP cho Hồng Kông (Trung Quốc); tổ hợp Marina Bay Sands đóng góp 2% GDP cho Singapore.

"Hiệu quả đã thấy rõ ràng, tại sao Việt Nam không làm khi cơ hội có trong tay ?", Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt câu hỏi.

Sau 35 hơn năm thành lập, IPPG có 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Đây là đơn vị phân phối chính thức của 92 thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực thời trang, đồ ăn, rượu.

Hiện tại, các vị trí chủ chốt trong HĐQT của IPPG đều do thành viên gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn nắm giữ.

Ngoài chức vụ Chủ tịch IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn là Chủ tịch Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC); Chủ tịch Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), ông còn được mệnh danh là "Vua hàng hiệu" tại Việt Nam.