Tham dự buổi họp lớp đại học sau nhiều năm không gặp bạn bè, ông Tiền (70 tuổi, Trung Quốc) đã có bài học đáng suy ngẫm về cách hành xử của những người bạn cũ. Dưới đây là câu chuyện được ông kể lại, theo thông tin trên Sohu. 

Nửa tháng trước, tôi đưa cháu ngoại đi công viên chơi và tình cờ gặp ông Phàm, người bạn cùng thời đại học. Nói chuyện một lúc, ông ấy nói với tôi rằng lớp đại học sắp tổ chức buổi họp mặt và rủ tôi đến dự. 

Thật ra, tôi không thích đi họp lớp nên giả vờ bối rối: "Vậy à, sao tôi không biết thông tin này". Ông Phàm rất ngạc nhiên vì tôi cũng có trong nhóm lớp.

hoplop fp.jpg
Buổi họp lớp của ông lão 70 tuổi và những bài học quý giá. Ảnh minh họa: FP

Lúc đó tôi lấy lý do là mình quá bận chăm sóc cháu ngoại, nên không có nhiều thời gian xem tin nhắn trong điện thoại. Nghỉ hè, con gái gửi cháu ở nhà tôi nên tôi chỉ muốn dành thời gian chăm sóc cháu.

Tôi cũng lờ đi việc họp lớp, vì có một số người tôi không có cảm tình. Họ luôn tỏ ra là người giàu có và chê bai người khó khăn hơn mình. Nhưng ông Phàm cứ nài nỉ mãi, nói tôi cố gắng tham dự. Tôi đành gật đầu.

Trước buổi họp lớp 1 ngày, ông ấy lại gọi cho tôi để nhắc. Lúc đó, con gái tôi đứng gần nên nghe được câu chuyện. Tình cờ hôm đó, con gái cũng có cuộc hẹn làm ăn ở nhà hàng sang trọng đó. 

Con gái nói sẽ đưa tôi đi, nhưng ông Phàm hẹn đón tôi vì tiện đường. Lúc chúng tôi đến, chỉ có vài người. Tôi hỏi ông Phàm sao lại đến sớm như vậy, ông ấy nói để có thời gian nói chuyện với các bạn và thăm thú nhà hàng. 

Lúc cỗ bàn chuẩn bị mang ra, ông Phàm nói với tôi mỗi người đóng 500 Nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng). Tôi chợt nhớ ra mình đi vội quá, quên không mang tiền mặt. Nhìn vẻ mặt của tôi, ông Phàm hiểu ra chuyện.

Ông ấy nói sẽ ứng tiền trước giúp tôi. Thật ra tôi có mang theo thẻ, có thể quẹt tiền, nhưng ông Phàm nhiệt tình quá nên tôi cũng ngại từ chối. 

Một lúc sau, thêm vài người bạn tới trong đó có ông Vương, người hay nói chuyện với tôi thời đại học. Trong bữa cơm, ông Vương hỏi mọi người về lương hưu.

Trong lớp, nhiều người lương hưu rất cao. Họ không ngớt lời khoe lương hưu và khoe khoang con cái giỏi giang. 

Khi ông Vương hỏi, tôi cười: "Lương hưu của tôi không nhiều đâu, chỉ khoảng 5.000 Nhân dân tệ (hơn 17 triệu đồng). Mức lương này chỉ đủ chi tiêu gia đình, lo cho vợ chồng tôi thôi". 

Thấy tôi nói vậy, ông Vương cười cho biết sẽ "bao" những người lương hưu thấp như chúng tôi. Tôi và một vài người có mức lương tương tự sẽ không cần phải đóng tiền họp lớp. 

Tất cả đều cười nói vui vẻ, tung hứng nhau có mức lương hưu cao vì từng có một công việc tốt. Khi mọi người uống rượu chúc mừng, tôi chỉ nâng trà vì sợ không tốt cho sức khỏe, ông Vương chê tôi không biết thưởng rượu ngoại. 

Tôi định phản ứng, may có ông Phàm ngăn lại. Lúc chuẩn bị về, tôi nhắn tin cho con gái qua đón mình. Lúc đó, con gái đã bàn công việc xong. 

Khi tôi đang đứng đợi con gái tới đón, ông Vương đến gần và ngỏ ý muốn đưa tôi về, vì lo tôi không có tiền đi taxi. Tôi nói đang đợi con gái đón thì họ cười. 

Đến khi thấy con gái tôi đi một chiếc xe sang tới, tất cả đều rất ngạc nhiên.

Ông Vương cũng bất giác tỉnh rượu vì nhận ra khuôn mặt quen. Ông ấy nói, con gái tôi chính là người mà con trai ông ấy đang cần kí kết hợp đồng làm ăn, và rằng con gái tôi giàu có hơn con ông ấy nhiều.

Con gái tôi không quên chào hỏi họ một cách lịch sự. Con tôi nói: "Sau này các bác muốn đến nhà hàng này, cứ gọi cho bố cháu. Đây là nhà hàng của bạn cháu. Cháu sẽ nói cô ấy ưu đãi ạ". Tất cả đều ngạc nhiên bởi đây là nhà hàng rất sang trọng. 

Trở về nhà, ông Vương đã xin lỗi tôi trong nhóm lớp, xin lỗi vì đã coi thường tôi không có đủ tiền đóng tiền họp lớp. 

Tôi cũng không muốn khoe khoang con gái mình giàu có, càng không muốn nói chuyện lương hưu của mình là bao nhiêu. Nhưng thú thực, cách họ hành xử khiến tôi cảm thấy bức bối và buộc phải cho họ một bài học: Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và khi bạn chưa hiểu gì về họ.