- Là cán bộ hưu trí, đột nhiên ông Tố bị cáo buộc đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt của ngân sách nhà nước số tiền lương hưu hơn 136 triệu đồng...

“Loạn” năm sinh của bị cáo

Ngày 23/7, TAND tỉnh Bắc Ninh đưa ông Đinh Sỹ Tố, cán bộ về hưu (quê Hà Tĩnh) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

{keywords}
Ông Tố tại phiên xử.

Cáo trạng xác định, năm 2002, ông Tố đã có hành vi sửa chữa, kê khai hồ sơ bảo hiểm xã từ năm 1953 thành năm sinh 1941 để được Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh duyệt cho hưởng chế độ hưu trí trước thời hạn quy định. Hành vi gian dối của ông Tố đã chiếm đoạt của ngân sách nhà nước số tiền bảo hiểm là hơn 136 triệu đồng.

Cụ thể, năm 2000, ông Tố công tác tại Xí nghiệp khai thác chế biến Đá và Lâm sản xuất khẩu Bình Định. Để làm thủ tục xin cấp Sổ bảo hiểm xã hội, ông Tố viết tờ khai cấp sổ bảo hiểm thể hiện ông sinh ngày 5/11/1953, theo CMT số 21008535818 được cấp. Tờ khai này được giám đốc xí nghiệp ký và đóng dấu xác nhận.

Sau đó ông Tố chuyển công tác đến Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Cty VTKTNN Bắc Ninh) và có nộp bộ hồ sơ cán bộ. Trong hồ sơ cán bộ chuyển đến đơn vị mới có đơn xin chuyển công tác của ông Tố, đề ngày sinh là 5/11/1941, theo CMT số 2100832818 do công an tỉnh Bình Định cấp ngày 20/6/1979. Tờ khai cấp sổ bảo hiểm do ông Tố viết khai sinh ngày 5/11/1941.

Công an tỉnh Bình Định cung cấp tài liệu danh chỉ bản xác định, ông Tố sinh ngày 5/11/1953, có số CMT 21008535818 do công an tỉnh cấp ngày 18/4/1978. Không có danh chỉ bản CMT số 2100832818 do công an tỉnh Bình Định cấp ngày 20/6/1979. Đáng nói, năm 1979, tỉnh Bình Định chưa được tái thành lập, đến năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình mới được chia tách thành tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi.

Ngoài ra, ông Tố còn nộp kèm quyển lý lịch cán bộ được ông ghi sinh ngày 5/11/1941. Trong đó quyển lý lịch cán bộ ngày 24/3/1970 này có chữ ký của ông Trần Hải, Chủ tịch UBND xã Đức Thanh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Cơ quan điều tra xác định, năm 1970, Chủ tịch xã Đức Thanh là ông Trần Văn Đồng, còn ông Hải chỉ làm Chủ tịch xã Đức Thanh từ thời điểm năm 1991- 2002.

Đến tháng 1/2012, Sở LĐTB XH tỉnh Bắc Ninh thanh tra hồ sơ hưu trí của ông Tố và kết luận: Quyết định của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh cho ông Tố hưởng chế độ hưu trí là không chính xác, do năm sinh không đúng. Sở yêu cầu hủy bỏ việc hưởng chế độ hưu trí của ông Tố, yêu cầu thu hồi tiền trợ cấp hưu trí hàng tháng.

Trả hồ sơ, điều tra bổ sung

Qúa trình điều tra, ông Tố không khai nhận mình sinh năm 1953, mà chỉ thừa nhận mình sinh năm 1941, và việc hưởng chế độ hưu của ông là đúng. Ông Tố cho rằng mình không tẩy xóa, sữa chữa năm sinh trên số BHXH và không chuyển hồ sơ cán bộ từ xí nghiệp chế biến đá và lâm sản đến Cty VTKTNN Bắc Ninh.

Cơ quan điều tra xác định, gia đình ông Tố có 10 anh chị em, ông Tố là con thứ 4. Anh trai cả của ông Tố sinh năm 1947, như vậy ông Tố là con thứ 4, không thể sinh năm 1941 được.

Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Trần Đình Triển cho rằng: Giấy khai sinh năm 1941 của ông Tố do UBND xã Đức Thanh, Đức Thọ, Hà Tĩnh cấp năm 1941 đã bị bỏ qua. Hơn nữa, lý lịch để xét tuyển đi thi Đại học năm 1970 của ông Tố, có xác nhận của xã và CA huyện cho thấy ông Tố sinh năm 1941.

Ngoài ra, lý lịch, hộ khẩu tập thể của công an TP Quy Nhơn cấp năm 1991; Giấy chứng minh nhân dân - Công an tỉnh Bình Định cấp năm 1979; hộ khẩu của ông Tố tại Bắc Giang; lý lịch 67 năm tuổi Đảng của ông Đinh Xuân Lập (cha đẻ ông Tố); hồ sơ xét tặng cụ Phan Thị Cu (Bà Nội ông Tố) danh hiệu Bà mẹ Việt nam Anh hùng, đều thể hiện - ông Tố sinh năm 1941.

Trước những thông tin “nhiễu loạn” về năm sinh của ông Tố, sau khi xem xét, chiều 23/7, HĐXX đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ năm sinh của bị cáo.

T.Nhung