Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của chủ tịch Lê Phước Vũ đã chính thức rút khỏi siêu dự án thép Cà Ná có quy mô lên tới 10 tỷ USD.

Theo đó, HSG chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Đây là 2 doanh nghiêp do Hoa Sen sở hữu 100% vốn và giao vai trò chủ đầu tư của dự án cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, HSG cũng giải thể 4 doanh nghiệp khác được thành lập để triển khai dự án này.

Tổ hợp dự án thép Cà Ná được biết đến là một siêu dự án mà ông Lê Phước Vũ từng cho biết có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD với kỳ vọng sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm.

Dự án ban đầu được đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035. Tuy nhiên, sau đó dự án đã bị loại bỏ ra khỏi quy hoạch và Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng dự án để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.

HSG giải thích lý do rút khỏi dự án là do “sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi tập đoàn xúc tiến đầu tư.

HSG cũng có sự điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn theo hướng tập trung nguồn lực vào củng cố và phát huy hiệu quả mang kinh doanh sở trường là tôn, thép, nhựa. Công ty đang ưu tiên ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ổn định qua từng năm, kéo giảm dư nợ về mức 3.000-4.000 tỷ trong vài năm sau và cải thiện năng lực tài chính.

{keywords}
HSG rút khỏi dự án Cà Ná.

Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ vừa công bố kết quả kinh doanh 3 quý niên độ tài chính 01/9/2019 đến ngày 30/6/2020. Theo đó, doanh thu đạt gần 19,2 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 670 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của HSG tăng 149% so với cùng kỳ, hoàn thành 172% kế hoạch niên độ. Và HSG đang hướng tới mốc lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm tài chính này.

HSG hoạt động khá tốt, vượt lên đại dịch cho dù ông Lê Phước Vũ đã có thời gian dài khoảng 3 năm lên núi ở ẩn.

Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hôm 9/7 ông Lê Phước Vũ đã thực hiện nghi lễ quy y Tam Bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Chùa Viên Minh.

Quy y Tam bảo là nghi lễ của đạo Phật. Đây được coi như điểm khởi đầu của phật tử đi theo giáo lý đạo Phật. Con người trở về, nương nhờ cửa Phật.

{keywords}
Ông Lê Phước Vũ quy y cửa Phật.

Tại HĐCĐ thường niên vừa qua, ông Vũ cho biết, hơn 3 năm qua sau vụ thất bại ở Cà Ná ông ít lên công ty. Trong những năm trước đó, ông ở trên núi và thỉnh thoảng thăm vợ con bên Úc. Hai tháng chỉ đến công ty 1 ngày, mà đến cũng chỉ 1 tiếng đồng hồ. Chủ yếu là trao đổi qua điện thoại, nếu thời gian ổn định có khi ông Vũ chỉ gọi về doanh nghiệp 2-3 lần/tháng. Ông Vũ cũng khẳng định nếu ông có bị sao thì cổ đông cũng không sao, vì HSG không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ.

Trước đó, Tôn Hoa Sen cũng đã trải qua nhiều thời gian thăng trầm. Trong năm 2018, doanh nghiệp của ông trùm ngành tôn Lê Phước Vũ rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có, bất ngờ lỗ nặng và nợ vay cao ngất ngưởng.

Tuy nhiên, riêng bản thân ông Vũ vẫn có những thương vụ mua bán cổ phiếu lời đậm gây ồn ào.

Trong năm 2018, giá cổ phiếu HSG của Tôn Hoa Sen có lúc tụt giảm hơn 70%, tài sản bốc hơi nghìn tỷ. Đại gia Lê Phước Vũ đen đủi gặp khó với dự án thép khủng tại Ninh Thuận. Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen để thẩm định kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là về công nghệ và môi trường.

Sự nổi lên của các đối thủ, trong đó có Hòa Phát của ông Trần Đình Long chuyển sang làm thêm tôn và Nam Kim gia tăng sản lượng, đang đe dọa vị trí tôn số 1 của HSG.

Không chỉ gặp khó trong thị trường nội địa, HSG còn gặp khó ở thị trường nước ngoài, trong đó có Mỹ, sau khi chính quyền Donald Trump áp thuế cao đối với các sản phẩm tôn và thép.

Gánh nợ 800 triệu USD khi đó cũng đe dọa triển vọng tươi sáng của vua tôn Lê Phước Vũ. Để tránh áp lực từ HPG, HSG phải gia tăng vay nợ, đầu tư nhà máy mới như Hoa Sen Hà Nam, Hoa Sen Yên Bái,... để giành lại thị phần, cải thiện vị thế. Hoa Sen đã phải chấp nhận hạ giá bán và tăng chi phí cho hệ thống phân phối, chấp nhận giảm lợi nhuận trong ngắn hạn để giữ khách hàng và mở rộng cơ sở khách hàng.

V. Hà