Để giảm phát thải khí nhà kính tiến tới Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ, các doanh nghiệp bán lẻ ở nước ta đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.
Đơn cử, Tập đoàn Central Retail vừa phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức lễ phát động “Ngày không túi nilon”, nhằm khuyến khích người tiêu dùng chung tay bảo vệ môi trường.
Tại thành phố Huế, ông lớn bán lẻ này cũng phối hợp với Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung tổ chức phát động chương trình “Tháng không túi nilon” tại siêu thị GO! Huế.
Không chỉ vậy, tại hệ thống siêu thị GO!, BigC... của tập đoàn bán lẻ này không còn kinh doanh ống hút nhựa, đồng thời triển khai thí điểm sử dụng túi nilon phân hủy sinh học làm từ bột ngô và khoai tây.
Đặc biệt, hệ thống siêu thị còn áp dụng kinh doanh các sản phẩm rau bọc lá chuối, giúp khách hàng đồng hành cùng siêu thị trong bảo vệ môi trường.
Tập đoàn đã làm việc với gần 30 nhà cung cấp thực phẩm tươi sống như rau, củ quả... để thay thế các bao bì đóng gói có thành phần plastic bằng túi nilon có khả năng phân hủy sinh học vào đóng gói sản phẩm. Hay như các sản phẩm gạo hữu cơ, cà phê đang được bày bán tại GO!... cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất để chuyển đổi vật liệu đóng gói từ vật liệu có thành phần plastic khó phân hủy sang giấy.
Đầu tháng 6 vừa qua, Central Retail Việt Nam và Công ty Công nghệ sạch Sparklo còn ký kết hợp tác "Sáng kiến tái chế" thông qua việc lắp đặt các máy thu gom rác thải tái chế Sparklomats tại hệ thống Trung tâm Thương mại GO! trên toàn quốc.
Các máy Sparklomats tại GO! là nơi tiếp nhận vỏ lon, chai nhựa rỗng, sau đó thông qua các quy trình phân loại, làm sạch và nghiền nát để trở thành sản phẩm mới. Quá trình này tiết kiệm 55% lượng khí thải CO2, 50% năng lượng, 20% dầu và không sử dụng dầu - một nguồn tài nguyên hữu hạn.
Đáng chú ý, người dùng sẽ được cộng điểm thưởng cho mỗi chai hoặc lon mà họ nạp vào máy. Điểm thưởng này có thể dùng để mua sắm tại hệ thống siêu thị và nhận những ưu đãi từ các nhãn hàng.
Tương tự, WinCommerce đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp xanh tại hệ thống siêu thị Winmart/Winmart+. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi nilon tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.
Việc thay thế túi nilon khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh cũng được các hệ thống siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market... triển khai đồng loạt.
Các siêu thị của Saigon Co.op đã ngừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, thay vào đó sử dụng 100% túi tự hủy sinh học, khuyến khích khách hàng sử dụng túi tái sử dụng nhiều lần, túi môi trường khi mua sắm; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên quầy kệ bằng sản phẩm có nguồn gốc từ bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường.
Ở gian hàng thực phẩm, hệ thống cũng đã sử dụng lá chuối để gói rau củ quả, vận động nhà cung cấp và đối tác chuyển đổi sản xuất xanh.
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - đề xuất cần một tiêu chuẩn chung về "Tiêu dùng xanh" cho thị trường Việt Nam. Theo ông, giá trị mang lại cụ thể nhất cho người tiêu dùng qua việc lựa chọn sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Tiêu dùng bền vững được hiểu là việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu độc hại; đồng thời, hạn chế phát thải các chất ô nhiễm trong suốt vòng đời của sản phẩm với mục tiêu không gây nguy hại cho các thế hệ tương lai.
Chia sẻ về vấn đề tiêu dùng bền vững, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mọi thay đổi đều bắt đầu từ những thứ rất nhỏ. Do đó, ý thức tiêu dùng xanh cần phải được nâng cao từ người sản xuất đến người kinh doanh và cuối cùng là đến người tiêu dùng.
Về phía quản lý nhà nước, cần có cơ chế chính sách rõ ràng để buộc các doanh nghiệp sản xuất dần dần đi vào việc sản xuất xanh, sạch hơn. Ngoài ra, có chế tài xử phạt cụ thể đối với cả doanh nghiệp và đối với người tiêu dùng. Lúc đó, việc thay đổi hành vi, đảm bảo tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn sẽ trở thành lẽ sống, thành xu thế, ông Thịnh nhấn mạnh.