Quyết liệt chuyển đổi xanh

Phát triển bền vững đã và đang trở thành mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia hướng tới. Với Việt Nam, tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ phấn đấu đạt Net Zero vào năm 2050.

Ngay sau COP26, Chính phủ cũng quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, giảm phát thải.

Đề án về nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 mà Bộ TN-MT trình Chính phủ là cơ sở để Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030; kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26…

Trong hành trình chống biến đổi khí hậu, một trong những dấu ấn quan trọng của Việt Nam là đàm phán và thông qua Tuyên bố JETP về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng vào tháng 12/2022.

Đến Hội nghị COP28, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Điều này cho thấy quyết tâm cao độ thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững.

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), nhìn nhận Việt Nam đã và đang khá quyết liệt trong chuyển đổi xanh.

rung xanh.jpg
Đưa phát thải ròng về 0 đang là đòi hỏi cấp thiết.

“Cam kết về giảm phát thải của Việt Nam, trong cập nhật năm 2022, về mức giảm phát thải do quốc gia tự định, tức là không cần hỗ trợ gì ta nâng lên khoảng 15,8% đến năm 2030; nếu có hỗ trợ của cộng đồng quốc tế thì lên đến 43%.

Việt Nam đã có Quy hoạch điện VIII, trong đó nêu rất rõ tỷ trọng về năng lượng tái tạo, có lộ trình để giảm dần tỷ trọng năng lượng nhiệt điện, than… Đồng thời, trong lĩnh vực phát thải rất lớn như giao thông, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông sẽ dùng bằng điện…”, ông Tú Anh nói.

Dù vậy, vị chuyên gia này cũng bày tỏ: “Phải thấy rằng để giảm phát thải, chuyển đổi xanh là quá trình không chỉ của nội tại quốc gia mà còn cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Chúng ta cam kết chuyển đổi xanh, đây là chuyển đổi công bằng. Bên cạnh sự quyết tâm, chủ động, thời gian tới, nước đi sau như Việt Nam cũng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế”.

Đang trình Chính phủ bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia

Từ góc độ vi mô, theo Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, chính sách phát triển bền vững, chuyển đổi xanh chỉ có thể có hiệu lực nếu được cộng đồng dân cư, doanh nghiệp hưởng ứng. Đây là điều cần hết sức lưu ý.

Chia sẻ tại hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG (môi trường, xã hội và quản trị - PV) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ESG là cuộc chơi mới về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Các doanh nghiệp lớn đều tích hợp tiêu chí ESG trong quá trình phát triển và đây là cuộc chơi bắt buộc với các doanh nghiệp nếu muốn đi dài hơi”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói.

Xung quanh câu chuyện chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), bày tỏ những thay đổi về quy định gần đây hướng đến việc thực hiện ESG là yếu tố bắt buộc tuân thủ. 

“Tôi mong rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp cận theo hướng đây là một cuộc chiến sống còn, buộc doanh nghiệp phải chiến đấu để dành được sự tồn tại”, ông Thọ nhấn mạnh.

điện gió.jpg
Ảnh: Thạch Thảo

Ở góc độ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi xanh nói chung, áp dụng ESG nói riêng, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT), phân tích: “Hiện nay, chúng tôi đang thấy rằng về khía cạnh vĩ mô như kế hoạch, chiến lược quốc gia, định hướng đã có. Tuy nhiên, đến cấp độ chương trình hành động của Chính phủ, từng bộ, ngành, doanh nghiệp phải nhìn thấy trong “bức tranh” đó người ta phải làm gì”.

Theo bà Thủy, Bộ KH-ĐT đang trình Thủ tướng Chính phủ bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia.

Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh; đặc biệt là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức.

“Có nghĩa là từ hệ thống các ngành kinh tế của mình xác định rõ thế nào là xanh. Ví dụ, cùng trong ngành GTVT, những tiêu chuẩn, tiêu chí nào để xác định 1 doanh nghiệp hay dự án này gọi là xanh hay không gọi là xanh.

Chúng tôi cũng đang phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi. Ví dụ, chẳng hạn bên VinFast hoặc xe điện, Chính phủ có hành động gì để hỗ trợ có trạm sạc hay không; các địa phương có dành đất, địa điểm để các doanh nghiệp làm trạm sạc hay không? Bởi không có trạm sạc thì người tiêu dùng cũng không mua xe xanh, không dùng xe xanh”, bà Thủy nhấn mạnh.