Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS) của ông Đặng Phước Thành vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với kết quả tồi tệ chưa từng có. Doanh nghiệp taxi đầu ngành tại Việt Nam thua lỗ quý thứ 4 liên tiếp và ghi nhận năm đầu tiên trong lịch sử thua lỗ.

Tính chung cả năm, Vinasun chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% và lỗ hợp nhất hơn 210 tỷ đồng.

Lý do được hãng taxi số 1 Việt Nam giải thích cho thua lỗ là vì bị ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.

Như vậy, đây là cú sốc thứ hai đối với doanh nghiệp của ông Đặng Phước Thành và cũng là cú sốc lớn chưa từng có. Trong những năm trước, Vinasun đã lao đao vì sự cạnh tranh khốc liệt với taxi công nghệ như Uber, Grab,... Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp này vẫn có lãi.

Tới thời điểm này, tình hình kinh doanh của Vinasun khá bi đát và triển vọng vẫn u ám. Theo báo cáo, số lượng nhân viên của doanh nghiệp này giảm gần 1,4 nghìn người trong năm 2020.

{keywords}
Taxi truyền thống đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ taxi công nghệ.

Cổ phiếu Vinasun đi ngang trong cả năm cho dù thị trường chứng khoán chung tăng mạnh trong năm vừa qua. VNS vẫn loanh quanh ở mệnh giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức giá 30.000 đồng/cp ghi nhận hồi giữa 2014 (giá điều chỉnh).

Trước đó, hàng loạt quỹ đầu tư đã “ôm hận” với khoản đầu tư vào Vinasun do tin tưởng rằng Grab, Uber chưa thể chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sau vài năm đầu tư vào Vinasun, quỹ đầu tư đến từ Singapore như GIC, TAEL đã lỗ vài chục phần trăm.

Vào thời điểm đầu tư, VNS là cổ phiếu rất tiềm năng. Vinasun cùng hãng taxi truyền thống như Mai Linh thống trị thị trường taxi Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần đã thay đỏi nhanh chóng khi các hãng taxi công nghệ xuất hiện với mức giá rẻ và tiện lợi hơn.

Lần đầu tiên trong năm 2016, Vinasun chứng kiến lợi nhuận giảm. Nửa đầu 2017, tốc độ suy giảm so với cùng kỳ còn lên tới 33%. Thị phần cũng suy giảm rất nhanh chóng.

Trong khi cổ phiếu Vinasun và Mai Linh tụt giảm do vị thế hàng đầu bị lung lay và triển vọng ngày càng mờ mịt thì một số thương hiệu mới nổi tại Việt Nam đang ngày có giá trị. Nhiều cổ phiếu tăng giá kỷ lục trong 2020 như: Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ, Vietcombank, FPT,...

Về việc hàng nghìn người lao động tại Vinasun mất việc, đây được xem là điều khó tránh khỏi trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Không chỉ trong ngành taxi, nhiều ngành khác như dệt may cũng sẽ chứng kiến tình trạng tương tự.

Đây là một thực tế mà một bộ phận người lao động đã chủ động và sẵn sàng đón nhận. Đây cũng là cơ hội lớn mà đất nước phải nắm bắt. Nhiều việc làm mất đi nhưng những việc làm mới tốt hơn sẽ được tạo ra.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index điều chỉnh giảm xuống dưới ngưỡng 1.130 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo BVSC, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên hôm nay. VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.105-1.120 điểm. Đây là vùng hỗ trợ được BVSC kỳ vọng sẽ giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật. Áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu, tuy nhiên biên độ giảm điểm có thể sẽ không còn lớn. Thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2020 sẽ không còn tác động nhiều đến diễn biến thị trường. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD... sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/1, VN-Index giảm 29,93 điểm xuống 1.136,12 điểm; HNX-Index giảm 4,03 điểm xuống 227,82 điểm. Upcom-Index giảm 0,99 điểm xuống 76,42 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 19,5 nghìn tỷ đồng.

V. Hà