CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa thông qua nghị quyết giải thể công ty con - CTCP Lộc Trời Miền Bắc và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Giống cây trồng Lộc Trời.
Cụ thể, LTG sẽ giải thể CTCP Lộc Trời Miền Bắc. Đây công ty con do LTG nắm giữ 99,98% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh thuốc trừ sâu, phân bón và gạo.
Bên cạnh đó, LTG cũng thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Giống cây trồng Lộc Trời - một trong số các công ty con của LTG, có vốn điều lệ 56 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của LTG là 99,9%.
CTCP Nông sản Lộc Trời sẽ nhận chuyển nhượng toàn bộ gần 5,6 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Lộc Trời tại CTCP Giống cây trồng Lộc Trời, tương ứng với 99,9% cổ phần của doanh nghiệp này trong năm 2022.
Trong năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đã chuyển nhượng vốn tại nhiều công ty con khác như: Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình, Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính tới cuối quý II/2021, Tập đoàn Lộc Trời còn 21 công ty con và 1 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và buôn bán gạo, kinh doanh thuốc trừ sâu, phân bón, trông trọt, kinh doanh giống cây trồng…
Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, trong đó xuất khẩu gạo đạt giá trị hàng nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 20-25% doanh thu cả nước, với các thị trường xuất khẩu gạo lớn là: Anh, châu Phi, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á.
Với thị trường châu Âu, Lộc Trời đã phát triển mạnh trong năm qua nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Mảng xuất khẩu gạo của Lộc Trời tăng gấp nhiều lần qua các năm nhờ có thêm các đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.
Đây là tín hiệu tích cực sau khi doanh nghiệp này gặp khó khăn trong mảng sinh lời nhất: kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Trong hai năm gần đây, doanh thu từ gạo chiếm phần lớn và thuốc bảo vệ thực vật ở vị trí thứ hai. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trước chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng việc LTG ngưng hợp tác với Syngenta - công ty thuốc bảo vệ thực vật thuộc Big4 của thế giới - được cho là ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp này.
Lộc Trời được biết đến là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp với cả nghìn kỹ sư nông nghiệp làm làm việc trực tiếp với gần 1 triệu hộ nông dân với cả triệu hecta lúa, dọc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tập đoàn này báo lỗ trong quý II/2022 do chi phí tài chính tăng cao vì lỗ chênh lệch tỷ giá lớn, trong khi đó chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển và xuất khẩu tăng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần tăng 15% lên gần 5.900 tỷ đồng nhưng lãi ròng giảm 40% xuống 138 tỷ đồng.
Cũng giống như Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp gạo ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt trong năm 2021 nhưng gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận nhiều nơi sụt giảm so với cùng kỳ như Trung An, Angimex… AGM ghi nhận doanh thu quý II/2022 tăng gấp rưỡi cùng kỳ nhưng lợi nhuận âm gần 10 tỷ.
LTG ghi nhận hoạt động đầu tư tài chính khá mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, DN ghi nhận tiền gửi có kỳ hạn tăng từ 28,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên trên 35,3 tỷ đồng. Cũng trong kỳ, LTG đã không còn nắm giữ 105 tỷ đồng trái phiếu do CTCP Sovico phát hành.
LTG tiếp tục ủy thác đầu tư 100 tỷ đồng cho CTCP Quản lý Quỹ VinaCapital, với thời hạn còn lại trên 12 tháng.
LTG ghi nhận dòng tiền âm lớn trong nửa đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh. Tổng vay nợ tài chính tới cuối quý II/2022 tăng hơn nghìn tỷ đồng so với đầu kỳ. Các khoản tiền và tương đương tiền tới cuối quý II/2022 giảm mạnh từ mức gần 1.800 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 766 tỷ đồng.