Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 24/7 trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Trong danh sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cử Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đó, Quốc hội về đoàn thảo luận nội dung này.
Theo chương trình kỳ họp, ngày 26/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách; bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 4 vừa rồi với 468/468 đại biểu tán thành, bằng 97,5% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi (sinh 1954), quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân kinh tế.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị 3 khóa (XI, XII, XIII); Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa (X, XI, XII, XIII); đại biểu Quốc hội 4 khoá (XI, XIII, XIV, XV).
Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Trần Thường
Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới có 22 bộ ngành
Với 470/470 đại biểu có mặt (94,19% tổng số ĐBQH) tán thành, sáng nay 23/7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.