- Vụ ông Trịnh Xuân Thanh làm thế nào trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho chúng ta biết thêm một loại lỗ hổng mới: lỗ hổng nhân sự.

Lâu nay, người dân đã biết và quen với các loại lỗ hổng tai hại ở nước ta. Lỗ hổng ngân sách, lỗ hổng dự án, lỗ hổng quy hoạch. Nhiều chuyện khó tin, nhưng vẫn xảy ra.

Và giờ đây với vụ ông Trịnh Xuân Thanh làm thế nào trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lại cho chúng ta biết thêm một loại lỗ hổng mới: lỗ hổng nhân sự. 

Tưởng như việc bổ nhiệm lãnh đạo đã được quy định hết sức chặt chẽ từ tiêu chuẩn, quota, quy trình, lấy phiếu tín nhiệm, thậm chí lấy ý kiến cư dân có liên quan, kê khai tài sản..., nhưng với vụ ông Trịnh Xuân Thanh mới lộ ra những cái đã được quy định có thể vượt qua như thế nào.

Phải thừa nhận là vượt qua tài tình và ngoạn mục.

Thực ra, đây cũng không phải mới mẻ gì. Chỉ có điều những cái lộ ra trước đây có vẻ như không nhức nhối, bức xúc và người ta dễ dàng tặc lưỡi cho qua. Nào là chuyện bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu. Nào là chuyện họ hàng, thân quen trong bổ nhiệm, cả họ làm quan ở huyện... Quá nhiều thứ để nói.

Tuy nhiên và cũng là đáng mừng khi đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh, người ta mới ngã ngửa về mức độ lách luật, mức độ to lớn của lỗ hổng nhân sự.

Lỗ hổng này không thể một người, một cơ quan tạo ra, nó phải là sản phẩm của vài người, vài cơ quan và chúng ta hãy chờ xem kết luận cuối cùng của các cơ quan vào cuộc theo chỉ đạo từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nói mừng vì đây là cơ hội xem lại mọi thứ do chúng ta quy định.

Điều đáng nhấn mạnh ở đây chính là quy trình, tiêu chuẩn... đều do con người quy định và lúc thực hiện cũng vẫn do con người cụ thể vận hành. Cho nên, suy đến cùng, thành, bại, làm đúng hay không đúng vẫn phụ thuộc vào con người. Ai giám sát, ai kiểm tra?

Nếu như không có câu chuyện biển số xanh cấp cho xe tư thì liệu có bục ra chuyện này không nhỉ? Nếu như báo chí không vào cuộc thì sao nhỉ? Rất nhiều cái nếu và đến giờ càng thấy được ý nghĩa của báo chí, đặc biệt thấy được tiếng nói của người dân, của cán bộ, công chức, viên chức ở những cơ quan, tổ chức phát sinh các vấn đề từ tham nhũng, hối lộ, chạy chức, mất dân chủ đến bỏ qua tiêu chuẩn trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo.

Nếu không nhân dịp này siết lại kỷ cương trong công tác nhân sự, khắc phục cái lỗ hổng này, tạo niềm tin trở lại cho công chức bình thường trong bộ máy, cho người dân về việc bổ nhiệm lãnh đạo từ nay trở đi cơ bản là chuẩn thì bộ máy càng ngày càng biến chất, chất lượng người lãnh đạo càng ngày càng tụt.

Hy vọng là 50 hay 100 năm nữa, con cháu chúng ta đọc lại lịch sử nước nhà giai đoạn này phải thốt lên sao lại thế nhỉ và thán phục vì câu chuyện Hậu Giang mà lỗ hổng nhân sự đã được khắc phục, người tài, đức làm lãnh đạo càng ngày càng nhiều, nhờ đó xã hội bình an và thịnh vượng.

Đinh Duy Hòa