Các ngân hàng Mỹ dồn dập rút lui

Theo trang ESG Today, hôm 2/1 Morgan Stanley là ngân hàng Mỹ tiếp theo sau Citi và Bank of America rút khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA).

Trước đó, hồi đầu tháng 12, Goldman Sachs Group và Wells Fargo cũng đã rời bỏ liên minh này.

Đây là một hiện tượng khá bất ngờ và khiến tương lai của NZBA trở nên kém tươi sáng bởi những tập đoàn hàng đầu, trong đó có các tổ chức sáng lập đã rút lui.

NZBA là một liên minh được thành lập năm 2021 nhằm đảm bảo các ngân hàng thành viên duy trì sự nhất quán đối với các khoản vay và đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050 được nêu trong Thỏa thuận Paris.

Trong một thông cáo cung cấp cho ESG Today, phát ngôn viên của Morgan Stanley cho biết: “Morgan Stanley đã quyết định rút khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero. Cam kết của Morgan Stanley về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vẫn không thay đổi.”

Morgan Stanley không đưa ra lý do cho quyết định này. Nhưng thông báo này đánh dấu sự rút lui tiếp theo trong làn sóng tháo chạy nhanh chóng của các thành viên NZBA vài tuần qua. Giới quan sát cho rằng ngân hàng hàng đầu Mỹ có thể chịu áp lực từ một số chính trị gia Đảng Cộng hòa.

Morgan Stanley gia nhập NZBA vào tháng 4/2021 với tư cách là thành viên sáng lập của liên minh. Ban đầu NZBA có 43 thành viên sáng lập, sau đó được mở rộng lên hơn 130 ngân hàng từ 41 quốc gia.

TrumpParisAgreement FT.gif
Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ảnh: FT

Chính sách năng lượng dưới thời ông Donald Trump

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ đánh thuế cao hàng hóa nhập vào nước Mỹ, đặc biệt từ Trung Quốc. Điều này khiến giới đầu tư lo ngại lạm phát gia tăng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải thận trọng, không hạ lãi suất nhanh chóng, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, một trong những cam kết chính sách của ông Trump thường nhắc tới là mục tiêu giảm chi phí năng lượng xuống một nửa trong vòng một năm sau khi nhậm chức, bằng cách tăng tốc khai thác dầu khí, giảm rào cản cho việc xây dựng các nhà máy điện… để giảm lạm phát.

Theo NYT, đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và tuyên bố rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, vốn được tổng thống đắc cử Mỹ coi là "bóc lột Mỹ", là "thảm họa".

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã hủy bỏ rất nhiều cam kết về môi trường và biến Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Năm 2017, ông Trump cũng đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này và quá trình rút khỏi chính thức hoàn tất vào ngày 4/11/2020. Nhưng sau đó, hôm 20/1/2021 Tổng thống Joe Biden quyết định tái gia nhập Hiệp định ngay sau khi nhậm chức.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2, ông Trump cũng dự kiến thu hẹp một số khu bảo tồn quốc gia để mở rộng hoạt động khai thác khoáng sản và nối lại cấp phép xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Á và châu Âu.

Hiện nhiều bang của Mỹ và một số tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Microsoft và Amazon vẫn theo đuổi các mục tiêu của Hiệp định Paris, bất chấp quyết định của chính quyền liên bang. Tuy nhiên, áp lực lên các ông lớn ngân hàng là rất lớn nếu còn tham gia các liên minh khí hậu và không tài trợ cho các doanh nghiệp khai thác dầu khí…

Theo NYPost, vào tháng 11, bang Texas đã dẫn đầu một vụ kiện của 11 tiểu bang Cộng hòa chống lại các tập đoàn BlackRock, Vanguard và State Street. Các tiểu bang cáo buộc các nhà quản lý tiền tệ này "âm mưu hạn chế một cách giả tạo" thị trường than bằng các hoạt động chống cạnh tranh.

Các tiểu bang cáo buộc các tập đoàn này đã tích lũy cổ phần lớn trong các nhà sản xuất than và sau đó hỗ trợ các sáng kiến ​​về môi trường nhằm giảm sản lượng than để đẩy giá lên cao.

Với các ông lớn ngân hàng Mỹ, việc hạn chế tài chính cung cấp cho các công ty nhiên liệu hóa thạch có thể vi phạm luật chống độc quyền theo như các cáo buộc từ phía Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump.

Các chiến dịch do Đảng Cộng hòa lãnh đạo chống lại các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã thu hút sự chú ý vào năm ngoái.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jim Jordan (Đảng Cộng hòa, Ohio) gần đây chỉ trích các liên minh về khí hậu như Climate Action 100+ và Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ), cáo buộc họ làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng.

Trong một tuyên bố gần đây, Citi nói với The Post rằng họ quyết định rời khỏi NZBA để tập trung sự chú ý vào Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ) khi tập đoàn này đang trong quá trình tái cấu trúc.

Đầu tuần này, Bloomberg đưa tin, GFANZ - một nhóm chung cho các liên minh khí hậu, đang điều chỉnh cách thức hoạt động với các nhóm nhỏ theo ngành cụ thể sau làn sóng rút lui của các ngân hàng.

Dù rời NZBA nhưng các ông lớn ngân hàng Mỹ như Citi, Goldman Sachs… đều cho biết vẫn cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Trong khi Wells Fargo và Bank of America chưa đưa ra bình luận về quyết định rời NZBA của mình.