Nhiều người hỏi tôi: Quá trình anh lên Bộ trưởng như thế nào? Có quy hoạch không? Nay tôi xin lần lượt kể lại - nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (tháng 9/2002 - tháng 8/2011) chia sẻ.
Cuốn sách này như là hồi ký của ông từ thời thơ ấu ở quê hương, kỷ niệm với bạn bè, đồng nghiệp, đến những vui buồn trong thời kỳ công tác suốt từ khi bắt đầu cho đến lúc nghỉ hưu. “Tôi không nghĩ vào cuối đời mình, khi đã ngấp nghé tuổi 80, lại viết chuyện, viết sách”, ông bộc bạch.
Tại buổi giới thiệu cuốn sách, nhiều chi tiết đã được nối dài thêm cho những câu chuyện ông đã kể.
Tôn trọng phản biện
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung kể, khi còn là Bộ trưởng, ông Phúc luôn làm việc trực tiếp với những cán bộ phụ trách công việc dù cấp bậc của họ rất thấp trong hệ thống để nắm vấn đề rõ nhất. Ông Cung nhớ lại, hồi sửa Luật Doanh nghiệp 2005, có lần báo chí phỏng vấn ông và giật tít phản đối đích thân tên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc vì duy trì điều kiện kinh doanh gì đó. Bài báo phát hành đã gây choáng váng cho rất nhiều người.
Trong chuyện “Hãy để anh em họ nói”, ông Phúc kể:
“Hôm đó, (họp Quốc hội) giờ giải lao, tôi vào phòng hội ý của Thường vụ Quốc hội. Có đầy đủ các đồng chí lãnh đạo Quốc hội ở đó. Vừa ngồi xuống uống nước thì có một vị đại biểu, nguyên là Bộ trưởng, nguyên Ủy viên Trung ương, lại là lớp đàn anh thân thiết của tôi ở Trung ương và Chính phủ đưa cho tôi 2 tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ rồi nói:
- Bộ trưởng thì đang ra sức bảo vệ luật. Trong hội thảo thì lính tráng của Bộ nói ngược lại. Phải là lính của tôi, thì tôi vặn sái cổ.
Tôi xem kỹ 2 tờ báo. Hai tờ đều đưa ý kiến của anh Nguyễn Đình Cung và Võ Trí Thành. Cả hai đều là Trưởng ban của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những ý kiến này khác với một số điều trong Dự thảo Luật và vừa được nêu trong hội thảo chỉ cách đó vài ngày. Mọi người chuyển tay nhau xem bài báo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hỏi tôi:
- Phúc nghĩ sao?
Tôi trả lời:
- Báo cáo anh, anh em ở Viện nghiên cứu họ nói thì để họ nói. Ta tiếp thu chừng nào là việc của ta. Họ nói trên giác độ cán bộ nghiên cứu. Ta làm công tác quản lý phải nghe nhiều chiều.
Chủ tịch Nguyễn Văn An nói:
- Đúng, cậu nghĩ thế là đúng. Cứ để cho anh em họ nói. Càng nhiều ý kiến càng tốt, càng có nhiều lựa chọn. Nhưng mình phải biết chắt lọc. Làm lãnh đạo càng phải lắng nghe. Cậu cứ cho anh em góp ý. Cần phải chú ý thống nhất cao trong các đại biểu và đảm bảo thông qua được luật. Phải nêu cao vai trò phản biện, nhất là khi làm luật”.
Lúc bấy giờ, ông Cung không biết chi tiết trên đây. Song, ở cơ quan thì náo loạn. Nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, ông Cung tự tin nói với mọi người, là Bộ trưởng sẽ không kỷ luật ông đâu.
Ông nói tại buổi lễ: “Thưa anh Phúc, chuyện này rất nhỏ, em cũng quên chi tiết rồi, nhưng có một điều, em không bao giờ phản đối anh”. Còn ông Phúc thì cười tươi, ôm lấy ông chuyên gia cương cường, bạo ngôn. Trong cuốn sách, ông viết ngắn gọn: “Thân tặng em Cung”.
Câu chuyện của ông Phúc và ông Cung, và thái độ của các vị lãnh đạo hồi đó rất đáng kể lại ngày nay. Nếu góp ý chính sách mà bị “vặn sái cổ” thì than ôi, đến thời sỹ phu ngoảnh mặt.
Kết nối trên facebook
Ông Phúc bắt đầu viết hai bài đầu tiên hồi tháng Sáu và bắt đầu tăng tốc hồi tháng Tám năm 2021, khi dịch Covid bắt đầu bùng phát, Hà Nội phong tỏa khắp nơi. Ông nhớ lại, lúc đó đường phố vắng lặng, ngày cũng như đêm. Đường ven hồ Tây lên Yên Thái, xuống Trấn Vũ không một bóng người. Không gian tĩnh lặng. Đêm xuống, nghe rõ tiếng chuông từ phủ Tây Hồ, từ chùa Trấn Quốc, từ đền Trấn Vũ vọng về. Tiếng chuông như khơi dậy miền kí ức trong ông, lại nhớ về những chuyện của ngày xưa.
Ông viết lại vài câu chuyện rồi đưa lên Facebook. Bạn bè xa gần đọc, khen hay, được nhiều người thích và nhiều người bình luận. Nhiều người động viên: anh viết nữa đi. Họ còn nói, chuyện của tôi cũng là chuyện của họ, chuyện của một thời, chuyện của một đời người. Được mọi người động viên, khích lệ, ông lại viết lò dò trên Ipad hoặc điện thoại. Ông nói, ông xin gửi lời cảm ơn đến bạn bè Facebook đã ủng hộ, động viên ông viết và hoàn thiện tác phẩm này.
Quen tác giả từ đầu những năm 1980, khi ông Võ Hồng Phúc còn là Vụ phó Vụ Công nghiệp của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhớ lại, ông Phúc là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hồi đó, quy định việc tiếp xúc với người nước ngoài rất khó khăn, ít nhất phải có 2 người và ghi chép phải nộp lại “tổ chức”. “Vậy mà anh Phúc vẫn giữ được các cuốn sổ ghi chép đó”, bà Chi Lan nói khi ông Phúc giơ ra những cuốn sổ đã ngả màu úa vàng vì thời gian. Bà nói, những câu chuyện được kể lại một cách chân thật, giản dị, cởi mở, dưới cái nhìn hết sức tỉnh táo, bao dung, và với những đúc kết nhẹ nhàng, sâu sắc.
Bà nhận xét, cuốn sách giúp bà hiểu biến sâu hơn những câu chuyện về dự án Ishikawa và ODA từ Nhật Bản hỗ trợ quá trình cải cách và phát triển của nước ta trong suốt những năm qua, về cả một chặng đường dài 50 năm của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với không ít gian truân trong thuở ban đầu.
Ông Kinoshita, Tổng giám đốc Sojitz Việt Nam, đơn vị dịch, độc quyền in ấn và phát hành tại Nhật Bản cho biết, cuốn sách dự kiến sẽ được xuất bản ở Nhật Bản vào tháng 9 năm tới nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023).
Tôi là một trong những độc giả say mê tìm đọc những câu chuyện của Bộ trưởng ngay từ đầu, khi ông bắt đầu đưa lên facebook. Lời văn của ông rất ngắn gọn, súc tích, các chi tiết đều rất người. Và ấn tượng hơn cả, các câu chuyện của ông đều thấm đẫm một chữ nhân tình, luôn hướng đến mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, và luôn hướng đến dân.
Ông Võ Hồng Phúc giữ chức Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư hai nhiệm kỳ, và tôi luôn ấn tượng với cách điều hành và các phát biểu lúc khôn khéo, lúc thẳng thắn đến nảy lửa của ông ở các hội nghị CG, ở Quốc hội và ở đại hội Đảng.
Ông đã để lại những luật rất ấn tượng như Luật Doanh nghiệp 2005, thống nhất các luật FDI, Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân với nỗ lực tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tiếp tục khơi dậy nguồn lực của người dân vào phát triển kinh tế.
Nguồn vốn ODA, vốn FDI dưới thời ông được chảy mạnh vào Việt Nam, giúp xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều chính sách như đầu tư công bùng nổ, doanh nghiệp nhà nước phát triển đa ngành đã để lại nhiều rủi ro vĩ mô.
Tôi nói với ông, tôi và nhiều độc giả khác mong đón đọc những bài viết mới của ông tới đây, nhất là về giai đoạn khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ, về những câu chuyện hậu trường còn chưa được kể ra.
Tư Giang