Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên báo cáo PCI đưa ra những phân tích, nhận định về động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, một định hướng lớn của Đảng và Chính phủ đặt ra gần đây trong việc nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế

Ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban Pháp chế VCCI, giám đốc dự án PCI cho hay, Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp; trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam. 

{keywords}
PCI năm 2020 cho biết môi trường kinh doanh duy trì đà cải thiện

Mặt khác, điều tra PCI 2020 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian.

"Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng,” ông Đậu Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về tính minh bạch của môi trường kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở. Cụ thể, chính quyền địa phương phải tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.

Một điểm nhấn trong báo cáo có chỉ ra năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trên diện rộng, ở hầu khắp các ngành, trên toàn bộ các vùng của cả nước. Cụ thể, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm vừa qua. Các doanh nghiệp cũng đã phải cắt giảm lực lượng lao động.

“Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 có tác động trên thực tế không đồng đều nhau, một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế và gia hạn tiền thuê đất… Điều tra cũng cho thấy mức độ thích ứng khá cao của doanh nghiệp Việt Nam trước đại dịch,” ông Tuấn nói.

Qua 16 năm liên tiếp, báo cáo PCI phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. 

PCI 2020 định vị sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư

Bày tỏ về kết quả PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh thành tại Việt Nam, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire chia sẻ, “kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.”

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, báo cáo PCI lần thứ 16 không chỉ phản ánh thứ hạng các tỉnh, thành phố về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh mà còn đề cập những vấn đề lớn khác, như ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, báo cáo PCI năm 2020 định vị sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của chính quyền các cấp trong 5 năm tới.

“Những phân tích chi tiết về tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam là đầu vào cần thiết giúp các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp xây dựng chính sách sát thực tế nhằm thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đề ra”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết. 

Cụ thể, theo báo cáo, dịch bệnh tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trên diện rộng; thị trường nội địa bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp. Khoảng 1/3 doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Đặc biệt trong các chính sách hỗ trợ, chính sách thuế, phí được đánh giá cao về mức độ dễ tiếp cận và tính hữu ích…

Hằng Nga