Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, muốn duy trì thị phần và phát triển một cách bền vững thì không còn cách nào khác, nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng tận tụy, trách nhiệm.
Chiều nay, 12/11, đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng dẫn đầu đã đến làm việc với 3 Tổng công ty mới thành lập của VNPT là VNPT Net, VNPT Media và VNPT VinaPhone.
Tăng cường chất lượng mạng tại các khu vực trọng điểm!
Ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó TGĐ Tập đoàn kiêm TGĐ VNPT Net cho biết, Tổng công ty chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7 vừa qua. Qua 4 tháng, VNPT Net đã triển khai được nhiều công việc quan trọng, dù giai đoạn này có rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (giữa) phát biểu tại phiên làm việc với VNPT Net. Ảnh: T.C |
"VNPT Net phải quản lý vận hành toàn bộ hạ tầng, mạng lưới cho Tập đoán, cũng như chuẩn bị toàn bộ điều kiện kỹ thuật để phục vụ hoạt động kinh doanh. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng vì nếu làm tốt thì mới yểm trợ được cho các 2 Tổng công ty còn lại", ông Hoàn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, do nguồn cán bộ mà VNPT Net tiếp nhận đến từ 5 Công ty dọc và Tập đoàn nên nhiệm vụ ổn định bộ máy tổ chức, xây dựng chức năng quyền hạn Ban lãnh đạo, các phòng ban cũng hết sức cấp thiết. Hiện tại, bộ máy này đã tương đối hoàn chỉnh, đi vào hoạt động "quy củ, nề nếp". 3200 nhân lực của Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp nhận nguồn lực, hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị mạng lưới cũng như tổ chức hoạt động, vận hành hạ tầng đó.
Điều đáng nói là chất lượng mạng lưới đảm bảo, đáp ứng thậm chí là được nâng cao hơn so với các chỉ tiêu kỹ thuật trước thời điểm bàn giao, ông Hoàn cho biết. Chẳng hạn như dự án tăng cường phủ sóng 3G, chỉ trong một thời gian tương đối ngăn, VNPT Net đã lắp mới được 8000 trạm BTS, 3200 trạm BTS Node B 3G...
Trong thời gian tới, ông Hoàn cho việc khối lượng công việc vẫn còn rất nặng nề như đảm bảo hạ tầng Kỹ thuật và điều kiện tối ưu để VNPT Vinaphone hoạt động tốt, cũng như hỗ trợ VNPT Media cung cấp, triển khai các dịch vụ mới.
Đồng thời, Tổng công ty còn phải chuẩn bị triển khai nhiều dự án lớn như chuyển mạng giữ nguyên số, triển khai mạng 4G LTE, tiếp tục phủ sóng di động và mở rộng mạng lưới giai đoạn 2016, triển khai các dự án của Tập đoàn về phủ sóng 3G tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung....Đặc biệt, VNPT Net sẽ phải tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới tại các khu vực trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng... Ông Hoàn cho biết, trước đây nhiều khâu Tập đoàn phải thuê đối tác bên ngoài làm, nhưng theo chủ trương mới, Tổng công ty sẽ dần tự chủ hóa tại các Thành phố lớn và chất lượng mạng sau khi tự chủ sẽ phải nâng cao hơn so với khi đi thuê.
Ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của VNPT Net, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đánh giá cao việc Tổng công ty vừa ổn định bộ máy tổ chức, vừa gấp rút củng cố, từng bước phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới. Những cố gắng này đã "có kết quả ngay" khi tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ SXKD trong điều kiện tái cấu trúc và cạnh tranh trên thị trường hết sức gay gắt.
"Dù gặp rất nhiều khó khăn khi tái cấu trúc, nhưng việc tái cấu trúc trong ngành chúng ta có thể nói đã thành công, đặc biệt là trường hợp của VNPT. VNPT đã chứng minh có thể đứng vững được trên đôi chân của mình, kể cả khi MobiFone, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và trước đó là VNPost đã tách ra", Bộ trưởng nhấn mạnh. "Kết quả bước đầu của VNPT rất đáng phấn khởi, đó là nhờ sự đóng góp rất lớn của các Tổng công ty, trong đó có VNPT Net".
Đẩy mạnh dịch vụ GTGT để bù "thoại"
Trong khi đó, ông Ngô Diên Hy, TGĐ Tổng công ty VNPT Media cho biết, Tổng công ty được hình thành từ nòng cốt là các công ty VASC, Trung tâm thông tin & Quan hệ công chúng của Tập đoàn (IPC).... Hiện tại, Tổng công ty đang cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền MyTV, nhiều dịch vụ GTGT trên nền cố định và di động, dịch vụ Internet... Ngoài ra, VNPT Media còn kinh doanh truyền thông dựa trên hạ tầng sẵn có.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng tượng Bác Hồ cho Tổng công ty VNPT Media. Ảnh Xuân Lộc |
Theo chiến lược kinh doanh mới, VNPT Media chú trọng đầu tư cho đội ngũ làm phần mềm (kỹ sư chất lượng cao), tập trung phát triển các dịch vụ cho truyền hình trả tiền. Cũng giống như VNPT Net, trước đây VNPT Media phải mua nền tảng của đối tác nước ngoài để cung cấp dịch vụ, nhưng giờ đây, Tổng công ty đã chủ động xây dựng một nền tảng đa màn hình (multi-screen), hỗ trợ từ TV, PC cho đến tablet và smartphone, có thể thay thế được nền tảng đi mua. Bản thân thiết bị đầu cuối (đầu thu), theo chủ trương chung của Tập đoàn, cũng sẽ sử dụng sản phẩm tự sản xuất, tiến tới cung cấp dịch vụ trọn gói (end-to-end).
Riêng đối với mảng cung cấp sản phẩm truyền thông, ông Hy thừa nhận xuất phát điểm của Tổng công ty chỉ ở mức thấp, do đó sẽ phải cố gắng tận dụng tối ưu nguồn lực của Tập đoàn để mở rộng, phát triển trong thời gian tới. Tính đến thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận 4 tháng đã hoàn thành được 69% và 74% kế hoạch 6 tháng mà Tổng công ty được giao.
Đánh giá về VNPT Media, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, Tổng công ty đang đảm nhận một phần rất "sát sườn" của Tập đoàn, đó là cung cấp truyền hình trả tiền, sản phẩm truyền thông và nhất là dịch vụ GTGT - một nguồn doanh thu đáng kể trong bối cạnh doanh thu từ thoại và SMS ngày càng giảm.
"Với thế mạnh của ngành TT&TT cũng như của Tập đoàn, VNPT Media đã có những mục tiêu, định hướng khá rõ nét. Nếu như các bạn có thể phát triển được các giải pháp tốt, đi đúng hướng, làm chủ công nghệ thì sẽ có cơ hội làm chủ sân nhà, thậm chí hướng tới phục vụ thị trường nước ngoài giống như FPT. Hy vọng trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ có những bước tiến dài, mang lại nguồn thu ngày càng lớn, bền vững, phát huy được thế mạnh của Tập đoàn", Bộ trưởng bày tỏ.
"Kinh doanh là xung kích"
Đơn vị cuối cùng trong phiên làm việc chiều nay là VNPT VinaPhone, Tổng công ty có quy mô nhân sự đông nhất (15.000 người) và cũng đảm nhận trọng trách nặng nề nhất trong VNPT theo mô hình mới: vận hành mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn tập đoàn.
Ông Lương Mạnh Hoàng, TGĐ VNPT VinaPhone bộc bạch khối lượng công việc mà Tổng công ty đã làm trong thời gian qua "quá nhiều", đến mức giờ nghĩ lại cũng "không hiểu mình đã vượt qua bằng cách nào". Đó là vừa chia tách mảng kỹ thuật và kinh doanh tại 63 viễn thông tỉnh, vừa nhập khối kinh doanh này lại để thành lập nên Tổng công ty kinh doanh dọc, trong khi không được ảnh hưởng đến khách hàng, không để gián đoạn dịch vụ cung cấp.
"Khối lượng công việc nhiều, vừa chạy vừa xếp hàng, cơ chế chính sách xây dựng hoàn toàn mới, thế nhưng kết quả kinh doanh đã là câu trả lời rõ ràng nhất cho những cố gắng của Tổng công ty. Doanh thu tăng trưởng 10%, lợi nhuận tăng 20%, phát triển thêm 3 triệu thuê bao mới, tặng thị phần hơn 1.5%". Đây là kết quả "chưa từng có trước đây", theo ông Hoàng.
Bộ trưởng chỉ đạo VNPT VinaPhone phải giữ vững thương hiệu quốc gia. Ảnh: T.C |
Không chỉ kinh doanh dịch vụ viễn thông, Internet truyền thống, Tập đoàn còn chỉ đạo VNPT VinaPhone đẩy mạnh một lĩnh vực mới là dịch vụ CNTT, tham gia mạnh các dự án, chương trình CNTT của Chính phủ và những kết quả bước đầu đạt được là "đáng khích lệ". Ông Hoàng hy vọng, bước sang năm 2016, khi hoạt động đã đi vào ổn định thì kinh doanh sẽ có "đột phá".
Tất nhiên, mọi việc sẽ không đơn giản. Thời gian qua, VNPT VinaPhone chỉ mới hình thành xong bộ khung cứng. Còn phần mềm là sự vận hành, tương tác giữa các khối phần cứng sao cho rõ ràng, minh bạch, trơn tru thì cần phải có thời gian hoàn thiện.
Nhìn rõ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ghi nhận, một nỗ lực rất lớn của VNPT VinaPhone là đã tổ chức tốt được bộ máy, đoàn kết đồng thuận vì sự phát triển chung, "thống nhất trong đa dạng". So với 2 Tổng công ty còn lại, bộ máy VinaPhone phức tạp và có quy mô lớn hơn rất nhiều, lại tập hợp đa số con người từ các viễn thông tỉnh, do đó sự phối hợp, vận hành nhịp nhàng, duy trì công việc kinh doanh không ngừng nghỉ, phát triển bền vững là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, VNPT VinaPhone còn là lực lượng xung kích, trực tiếp tiếp xúc với người dùng nên rất cần cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp, nhất là dịch vụ sau bán (hậu mãi). "Phát triển thêm 3 triệu thuê bao mới là rất tốt, nhưng giữ chân được thuê bao còn quan trọng hơn, nhất là sau khi thực hiện chuyển mạng giữ số", Bộ trưởng chỉ ra. "Làm sao để giữ được thị phần rồi phát triển lên thì mới bền vững được". Không có cách nào khác là phải giữ bằng chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng tận tụy, trách nhiệm, duy trì thương hiệu tầm cỡ quốc gia của VinaPhone và VNPT... Bộ trưởng kết luận.
Trọng Cầm
Tin liên quan