Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU cho ngư dân
Vừa mới đây, gần 100 ngư dân, chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trên địa bàn khu vực biên giới biển huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã có dịp nắm bắt thêm về nội dung phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)...
Tại Hội nghị truyền truyền về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định do Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và Công an huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng tổ chức, các ngư dân được phổ biến, quán triệt các nội dung: Các quy định của EC về khai thác hải sản, trong đó tập trung vào 12 hành vi khai thác vi phạm IUU; những tác hại, tác động của các lệnh phạt IUU của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các ngư dân, chủ tàu còn được quán triệt Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU; Công điện số 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và các Quy định của chính quyền các cấp về khai thác hải sản và phòng, chống IUU ở địa phương.
Sinh hoạt một số nội dung chính của Luật Thủy sản (2017) và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; tuyên truyền công tác phòng, chống cháy nổ trên tàu thuyền.
Cuối chiều, cảng Tân Sơn (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) nhộn nhịp bởi hàng trăm tàu cá tấp nập cập bến sau những hải trình dài đánh bắt xa bờ. Đây cũng là thời điểm các chiến sĩ thuộc Trung đội dân quân biển xã Thụy Hải có mặt tại cảng để phối hợp cùng lực lượng bộ đội biên phòng thăm hỏi, nắm tình hình đánh bắt cá của ngư dân và cấp phát bổ sung một số đầu sách pháp luật theo nhu cầu của một số chủ tàu.
Tỉnh Thái Bình có hai huyện giáp biển là Thái Thụy và Tiền Hải. Đây cũng là hai địa phương trong tỉnh thành lập các trung đội dân quân biển. Thời gian qua, lực lượng dân quân biển Thái Bình đã chủ động phối hợp cùng công an, Bộ đội Biên phòng, kiểm lâm, cảnh sát biển trên địa bàn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về khai thác hải sản trên biển. Nội dung tập trung vào hướng dẫn ngư dân khai thác đúng tuyến, báo cáo và ghi nhật ký hành trình, lắp đặt thiết bị giám sát tàu, không sử dụng chất cấm trong khai thác, không đánh bắt các loại hải sản thuộc danh mục cấm... Bằng nhiều hình thức như gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, phát tờ rơi, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tổ chức thăm hỏi, tặng quà đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tự giác cho ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản; tình trạng tàu cá vi phạm quy định khi đánh bắt trên biển giảm rõ rệt trong những năm gần đây, giúp hoạt động khai thác hải sản được bền vững, an toàn.
Cũng trong tháng 9 này, Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh cũng tổ chức tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho chủ phương tiện đánh bắt hải sản và ngư dân trên vùng biển Trà Cổ và Bình Ngọc (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
đại diện Đồn Biên phòng Trà Cổ đã thông tin đến ngư dân quy định về chống khai thác hải sản IUU; tác động của "thẻ vàng" EC đối với xuất, nhập khẩu thủy sản; quy định của pháp luật Việt Nam khi xử lý tàu cá đánh bắt hải sản sai quy định trong vùng biển Việt Nam; một số quy định về giấy phép khai thác đối với tàu cá; một số lưu ý liên quan đến phân vùng khai thác thủy sản; những nội dung chính của chuyên đề “Vấn đề gỡ thẻ vàng của liên minh châu Âu đối với hải sản Việt Nam"; những điều cần biết khi khai thác thủy hải sản trên biển như: giấy tờ cần phải có, các hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định IUU, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Cảnh sát biển năm 2018, hậu quả khi khai thác hải sản bất hợp pháp...
Đồng thời, vận động ngư dân duy trì các tổ tàu thuyền an toàn trên biển, tổ chức cho các chủ tàu khai thác xa bờ viết cam kết không xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản, chấp hành nghiêm các quy định khi xuất bến như phải có đầy đủ giấy tờ, có hải đồ để phục vụ việc xác định ranh giới trên biển nhằm hạn chế tình trạng các tàu cá vi phạm liên quan đến IUU và chấp hành tốt luật pháp Việt Nam và các nước.
Tuyên truyền luật phải hướng vào ngư dân, phải hiểu được người dân nghĩ gì, muốn gì
Hồi đầu năm vừa qua, trong cuộc họp bàn với các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Kế hoạch hành động 180 ngày theo Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ tư, với các tàu cá còn vi phạm chống khai thác IUU, ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng Cục Kiểm ngư đề xuất Bộ trưởng có thư ngỏ cho bà con ngư dân và doanh nghiệp, kết hợp với đó là truyền thông và dưới địa phương, các hội quán có sự vào cuộc của hội, đoàn thể, tổ chức ở địa phương nhằm xử lý các điểm nóng, đặc biệt là những tỉnh, huyện, xã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó yếu tố xã hội chính là con người, cụ thể ở đây là ngư dân. Vì vậy phải đổi mới cách tiếp cận trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức chống khai thác IUU.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải hướng vào ngư dân, phải hiểu được người dân đang nghĩ gì và muốn gì?. Đồng thời, phải kiên trì trong tuyên truyền, qua đó thay đổi nhận thức của ngư dân trong tham gia bảo vệ tài nguyên thủy hải sản và khai thác bền vững. Cùng với đó, tập huấn, cung cấp kỹ năng, kiến thức trong chuyển đổi nghề cho ngư dân.