Giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm là nội dung rất quan trọng trong kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Thừa Thiên - Huế năm 2024. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Cùng đó, tỉnh sẽ đưa khoảng 2.050 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó phấn đấu có 5% lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, tương đương khoảng 102 người.

Thực tế, thời gian qua, tại nhiều địa phương, xuất khẩu lao động là hướng đi hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Hoạt động này vừa tạo được việc làm, tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho từng gia đình có người đi xuất khẩu lao động, hơn thế còn tạo cơ hội vươn lên cho nhiều lao động, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại tỉnh này, người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giải quyết việc làm, đi xuất khẩu lao động. 

W-giam ngheo.jpg
Đời sống người dân nhiều vùng nông thôn nghèo được nâng lên nhờ chủ trương đưa người dân đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn.

Tháng 3/2024, hộ gia đình ông Văn Viết Tỵ, thôn Lại Ân, xã Phú Mậu, thành phố Huế, thuộc hộ cận nghèo, đã được Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố giải ngân cho vay 99 triệu đồng để con trai lớn đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản. 

Gia đình ông Tỵ phải nuôi mẹ già và 3 người con, bản thân ông chật vật mưu sinh hàng ngày. Từ khi con trai sang Nhật Bản tham gia thị trường lao động, hàng tháng gia đình được nhận tiền gửi về đều đặn để trả nợ, lo cho 2 em ăn học đàng hoàng, lo thuốc thang cho người bà, cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn. Gia đình ông kỳ vọng tới một ngày gần nhất sẽ thoát diện hộ nghèo, vươn lên.

Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Huế đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho 53 lao động tiếp cận với nguồn vốn là 4,1 tỷ đồng. 90% trong số này tham gia thị trường lao động tại Nhật Bản. Đến cuối tháng 9, phía ngân hàng đang thẩm định 8 hồ sơ, dự kiến giải ngân 640 triệu đồng.

Thực tế, tại thành phố Huế, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ có người đi xuất khẩu lao động bằng nguồn vốn vay ưu đãi. Đơn cử như hộ gia đình bà Huỳnh Thị Kim Thúy, phường An Cựu, thành phố Huế. Năm 2024, sau gần 1 năm con gái bà lao động tại Nhật Bản, số tiền gửi về đã giúp gia đình từng rất khó khăn này trả hết khoản nợ 80 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố (lãi suất 6,6%/năm).

Bà Thuý nói, sau khi trả hết nợ, hàng tháng với số tiền người con gái chuyển về, bà cố gắng dành dụm làm vốn cho con gái sau khi hoàn thành hợp đồng lao động tại nước ngoài (36 tháng), về nước sẽ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên. 

Đây cũng là tính toán mà gia đình ông Nguyễn Văn Ninh, trú tại thôn Ka Nôn 2, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới dành cho con trai đang làm việc tại Nhật Bản theo diện xuất khẩu lao động. Đến tháng 10, con trai ông đã làm việc tại Nhật Bản được hơn 1 năm. Công việc cơ bản ổn định, mức thu nhập khá, con trai ông thường xuyên gửi tiền về cho gia đình. Nhờ có số tiền này, gia đình ông đã dần trả hết nợ ngân hàng và tiến tới tích lũy để sau khi hết hạn hợp đồng tại Nhật Bản trở về nước, con trai ông có vốn kinh doanh.

Theo rà soát, xã Lâm Đớt còn 480 hộ nghèo, 391 hộ cận nghèo. Bên cạnh giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ, chính quyền địa phương xác định tuyên truyền, thông tin thị trường việc làm ngoài nước đến người dân. Xã hiện có 9 lao động đang đi làm việc ở nước ngoài với công việc chủ yếu là đóng gói thực phẩm.

Tại thị xã Hương Thuỷ, trong 6 tháng đầu năm, thị xã đẩy mạnh liên kết, giải quyết việc làm, có 781 lao động có việc làm mới, trong đó có 163 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thống kê tới 8 tháng đầu năm 2024, con số lao động đi xuất khẩu lao động tăng lên 220, tỷ lệ lao động làm việc tại thị trường Nhật Bản chiếm hơn 90%. 

Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho gia đình và địa phương, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và đa chiều. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ nguồn vốn của chương trình giảm nghèo, hai năm qua địa phương này đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động. Trong đó 100% người lao động bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.